[T02.4] Shashi Caan- Tư duy lại về Thiết kế và Nội thất
Lời giới thiệu: Giới thiêu sơ lược về bối cảnh, tác giả và nội dung sách
Chương 1: Sự tìm kiếm những không gian cư ngụ (The Search for Shelter)
Chương 2: Tồn tại (Being)
Chương 3: Bên trong (Inside)
“Kiến thức về nội tâm con người thì tương ứng với kiến thức về nội thất của một không gian” (Caan, 2011 p.1233)
Shashi Caan cho rằng thiết kế nội thất ngày nay phần lớn chỉ tập trung vào những can thiệp vật lý (physical intervention) hơn là chú trọng đến những gắn kết mang tính trải nghiệm (experiential engagement) của người sử dụng. Nguyên nhân chính là vì lĩnh vực thiết kế nội thất cho đến bây giờ vẫn chưa phải là một thể thống nhất hoàn chỉnh (unified entity). Cụ thể hơn, khi xét về chiều sâu, vẫn còn có một hố đen lớn (a vacuum) giữa những nhận thức thông thường về công việc thiết kế nội thất và cơ sở lí luận cần thiết cho một chuyên ngành thiết kế nội thất. Để giải quyết vấn đề trên, thiết kế nội thất cần một nền tảng triết lí vững chắc dựa trên 3 nguyên tắc sau:
- Con người phải là (must) trung tâm của thiết kế. Để làm được điều này, việc thiết kế phải đòi hỏi một hệ thống kiến thức nền tảng về cơ thể, trí óc và tinh thần của con người.
- Yêu cầu về vai trò của thiết kế nội thất nên được xem xét mở rộng. Thiết kế nội thất làm việc trực tiếp với một tổng hòa của những nhu cầu cá nhân, riêng tư của con người trong khi những ngành thiết kế khác chỉ tập trung giải quyết từng vấn đề riêng biệt. Do đó, vị trí và mối tương quan của thiết kế nội thất trong môi trường xây dựng cần được vạch rõ và gắn kết nhiều hơn với những chuyên ngành có liên quan.
- Thiết kế nội thất chính là việc tạo hình những khoảng trống không gian (the void- the air and space) ở giữa những vật thể (vật lý và phi vật lý) bao quanh trong môi trường xây dựng, đem lại cho chúng một giá trị, ý nghĩa, và một sự gắn kết với người sử dụng và môi trường bao quanh.
Chấp nhận 3 nguyên tắc trên chính là bước đầu tiên để xây dựng nên một nền tảng lí luận cho chuyên ngành thiết kế nội thất. Thực tế cho thấy, nguyên nhân của sự mơ hồ trong nhận thức xã hội và cả của những người hành nghề đến từ những thông tin sai lệch, tập trung chủ yếu vào các mối bận tâm về thị giác và khiến ý nghĩa thật sự của việc “thiết kế” trở nên hời hợt hơn rất nhiều:
“Thiết kế nội thất, giống như một sự giải trí (a pastime), chưa bao giờ thật sự nắm bắt được nhiều hơn những nhu cầu chung- thực tế, chúng chỉ tập trung vào sự gia tăng về những phong cách sống và những thứ liên quan đến nội thất đến từ phương tiện truyền thông, cải tạo nhà cửa và các cửa hàng buôn bán đồ nội thất. Sự trân trọng về giá trị của việc thiết kế đã giúp thúc đẩy sự tiến bộ của thiết kế nội thất, nhưng đồng thời, cũng dẫn tới sự nghiệp dư (dilettantism) trong lĩnh vực này. Những chương trình thực tế và các tạp chí gia đình mạnh mẽ tuyên bố rằng ai cũng có thể thiết kế, từ đó dẫn đến việc phủ nhận những kĩ năng và năng lực chuyên biệt của những nhà thiết kế. Hậu quả là, chúng ta có một ấn tượng rộng rãi rằng vai trò của một nhà thiết kế chính là một stylist về bề mặt (surface stylist) và kiểu dáng (form giver). Ngoài ra, còn có một nhận thức sai lệch về bí ẩn của một vài “nghệ sĩ” tài năng- người tạo ra những xu hướng mới bằng việc kết hợp những hình dạng và vật liệu kì lạ với một sự tinh tế nhất định” (Caan, 2011 p.1256)
Thiết kế nội thất được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn khởi điểm xuất phát trong những hang đá (chương 1) và giai đoạn phát triển giúp định hình đặc tính hiện đại diễn ra trong 2 thế kỉ vừa qua. Tuy nhiên giai đoạn sau không diễn ra độc lập mà là sự giao thoa với những lĩnh vực thiết kế khác như công nghiệp và đồ họa. Đồng thời cũng trong giai đoạn này, kiến trúc đã gần như tách ra độc lập khỏi lĩnh vực xây dựng và kĩ thuật kết cấu, định hình một bản sắc và dấu ấn riêng. Trong khi đó, nội thất dù đã có mặt trong đời sống con người ngay từ những giai đoạn tiến hóa đầu tiên lại không cho thấy một sự phát triển rõ ràng trong lĩnh vực thiết kế sản phẩm (product design):
“bản chất thật sự của nó (nội thất)- như một backdrop (phông nền) cho tất cả mọi hoạt động của con người, cùng với sự thiếu hụt về các lý thuyết định hình cho việc thực hành, khiến việc xác định chính xác nguồn gốc của nó trở nên khó khăn.” (Caan, 2011 p.1281)
Sự đóng góp của các ngành nghề thi công trang thiết bị nội thất thủ công giúp đóng góp, một cách cá nhân, vào việc cấu thành nên một không gian nội thất, nhưng xét trên tính toàn thể, những ngành nghề này không thể đem đến một trải nghiệm toàn diện mà lĩnh vực thiết kế nội thất cần có. Dựa vào nguồn gốc hình thành mà Shashi Caan cho rằng những khái niệm sai lệch (misconception) về thiết kế nội thất đến từ việc nhầm lẫn giữa những miêu tả (description) về trang trí nội thất (mang tính thời trang, tạm thời và giao thoa, và làm việc chủ yếu với đồ dùng nội thất, màn, vải, đồ trang trí…) và yêu cầu (requirement) của thiết kế nội thất:
Do đó, bản chất phức tạp của chuyên ngành thiết kế nội thất phải được làm rõ mà trong đó, công việc trang trí đóng một vai trò nhỏ hơn dù thiết yếu trong tổng thể sâu rộng của cái vũ trụ này. Việc phân định đó nên bắt đầu từ sự rạch ròi trong cách sử dụng các khái niệm “nhà trang trí nội thất”, “nhà thiết kế nội thất” và cả “kiến trúc sư”. Hiện nay, hai khái niệm đầu tiên vẫn hay được dùng thay thế qua lại ngay cả trong giới chuyên môn.
- Trang trí nội thất: thường được sử dụng để nói về giai đoạn cuối cùng của quá trình xây dựng và hoàn thiện nội thất. Vào khoảng cuối thế kỉ 19, khái niệm trang trí thường được sử dụng cho các upholster, những người không qua trường lớp đào tạo. Cùng thời gian đó (khoảng từ năm 1880- 1930) là sự ra đời của các tổ chức giáo dục và chuyên nghiệp về kiến trúc.
- Thiết kế nội thất: bắt đầu được phổ biến vào cùng thời điểm, khoảng những năm 1930. Khái niệm này được sử dụng rộng rãi nhằm phân biệt một không gian nội thất hoàn chỉnh với một sự trang trí thuần túy. Tuy nhiên tại thời điểm đó, cả thiết kế nội thất và trang trí nội thất vẫn thường được dùng thay thế lẫn nhau và không ám chỉ rằng đây là một chuyên ngành khác biệt với kiến trúc. Thế nhưng sau đó, khái niệm thiết kế nội thất bắt đầu được sử dụng để chỉ những phần việc kiến trúc thuộc phần bên trong của một công trình, tương phản với phần ngoại thất. Chính điều này có thể hàm ý rằng thiết kế nội thất là một phần của kiến trúc, tách biệt với trang trí. Ngoài ra, có một thực tế đáng ngạc nhiên rằng các không gian nội thất là chủ đề chính trong các tác phẩm lý luận kiến trúc vào thế kỉ 18 ở Pháp và sự chú trọng vào những không gian bên trong ngày càng trở nên rõ nét hơn trong các khái niệm về không gian kiến trúc ở thế kỉ 20.
Tuy nhiên, vẫn cần có một sự phân biệt rõ về ranh giới giữa kiến trúc và thiết kế nội thất. Trong đó, người kiến trúc sư thiết kế những kết cấu chắc chắn để tạo nên những không gian an toàn và lành mạnh trong khi nhà thiết kế nội thất chịu trách nhiệm về sức khỏe tinh thần và cảm xúc của những con người cư ngụ bên trong không gian đó:
“sự chấp nhận toàn diện khái niệm kiến trúc nội thất, thay thế cho thiết kế nội thất đe dọa cướp đi đặc trưng của lĩnh vực thiết kế nội thất, tách rời nó khỏi nguồn gốc nguyên thủy và sự kết nối cốt lõi (của thiết kế nội thất) với hành vi nhận thức (cognitive behavior) và khoa học xã hội (social science). Nhà thiết kế nội thất ngày nay cần phải là một chuyên gia toàn diện, người có thể hiện thực hóa những môi trường có lợi cho sự cư ngụ của con người. Một người thiết kế như vậy cần có chuyên môn rộng hơn những kĩ năng thông thường của một kiến trúc sư hay một người trang trí” (Caan, 2011 p.1441)