Skip to content

[T02.3] Shashi Caan- Tư duy lại về Thiết kế và Nội thất

Written by

Linh Phamvu

Lời giới thiệu: Giới thiêu sơ lược về bối cảnh, tác giả và nội dung sách

Chương 1: Sự tìm kiếm những không gian cư ngụ (The Search for Shelter)

Chương 3: Bên trong (Inside)


Chương 2: Tồn Tại (Being)

Shashi Caan cho rằng thiết kế không gian nội thất chính là lĩnh vực thiết kế có mối liên hệ trực tiếp và gần gũi nhất đến bản chất của con người so với tất cả những lĩnh vực khác. Trong bối cảnh thế kỉ 21, khi thiết kế có xu hướng ngày càng bành trướng về kích thước, hướng đến những siêu cấu trúc (megastructure) như một giải pháp cho những vấn đề xã hội và phát triển bền vững thì nhà thiết kế nội thất nên là người tiên phong trong việc khám phá những tiêu chuẩn mới cho thiết kế nói chung, xuất phát từ nội tại thay vì ngoại cảnh như hiện nay (working from inside out). Đăc biệt, những tiêu chuẩn mới này phải lấy nhu cầu tinh thần của con người làm trọng tâm:

“Những ngôn ngữ giao tiếp và thị giác hiện nay của chúng ta đã bộc lộ sự giới hạn về khả năng đáp ứng những yêu cầu về chất lượng của không gian nội thất. Thuật ngữ “thiết kế” thì đặc biệt mang tính ứng dụng (nó bao gồm hàm ý về công năng, giao thông và hệ thống hóa những quy định về an toàn vật lý) nhưng chính những khái niệm này lại không thể miêu tả sự tương tác có chủ đích về mặt cảm xúc (intentional emotive interplay) giữa con người, vật thể và môi trường. Sự tác động qua lại này là cần thiết để kích thích những ý thức và hành động cao cả, và đồng thời kiến tạo nên những môi trường mà, ví dụ như, có thể đem đến cảm giác về sự thanh cao, củng cố sự tin tưởng mạnh mẽ hơn như một sản phẩm của quá trính thiết kế.
Phần lớn các lý thuyết kiến trúc đang cố gắng cắt giảm những ý tưởng triết học (philosophical concept) của không gian, sự hài hòa và cân bằng thành những tiêu chuẩn nghệ thuật mang tính hình thức. Đồng thời chúng cũng phác họa hình ảnh con người điển hình trong những công trình như một sự trừu tượng hóa vô hồn (lifeless abstraction), đóng một vai trò gần như thứ yếu trong quá trình thiết kế. Nếu như chúng ta muốn đạt được một phương pháp thiết kế tốt hơn, thì chúng ta phải nhanh chóng tạo ra một phương pháp chính xác hơn trong việc xác định rõ sức mạnh về mặt cảm xúc của việc thiết kế.
Trong một khoảng thời gian rất dài, những nhà thiết kế, trong tất cả mọi lĩnh vực, đã tránh né việc đào sâu một cách nghiêm túc vào những góc độ hiện tượng học (phenomenological aspect) của thiết kế. Chúng ta đang đơn giản hóa sự tồn tại của chúng ta và nghĩ về loài người như những khái niệm toàn thể (universal terms), với một mẫu số chung (common denominator) cho nhu cầu của tất cả mọi người.”
(Caan, 2001 p.554)

Con người chính là sự kết nối giữa thế giới vật chất hữu hình bên ngoài và thế giới nhận thức bên trong chính chúng ta thông qua sự hoạt động của não bộ và các giác quan. Nói cách khác, “thiết kế chính là sự chiêm nghiệm giữa một trải nghiệm “nội thất” (bên trong không gian và cả bên trong chính chúng ta) với thế giới bên ngoài”. (Caan, 2001 p.583) Do đó, các không gian nội thất không chỉ đơn thuần là nơi diễn ra các tương tác vật lý mà còn đem đến những tác đông đáng kể về mặt tâm lý và cảm xúc. Thông qua những giá trị phi vật chất đó, không gian nội thất được định nghĩa như một lớp da thứ hai của con người– a second skin, lớp da giúp định hình chính con người chúng ta và cách chúng ta tiếp nhận thế giới xung quanh:

“mặc dù nó nằm bên ngoài những giới hạn vật lý của cơ thể chúng ta, làn da thứ hai này lại đóng vai trò cực kì quan trọng trong việc xác định chúng ta là ai và cách chúng ta nhận thức. Do đó, đặc tính của con người được mở rộng ra khỏi phạm vi vật lý của chúng ta. Thiết kế là một không gian chuyển tiếp nằm giữa làn da và những thứ bên ngoài. Chính vì thế mà nó (không gian nội thất) là một phần nối dài của chính bản thân chúng ta.” (Caan, 2001 p.608)

Hình 1. Mặt cắt giải phẫu của cơ thể con người (bên trái) và mặt cắt của một tòa nhà (bên phải) thể hiện những thành phần bên trong một cấu trúc được ngăn cách với thế giới bên ngoài đều thể hiện chung một khái niệm- nội thất (interior) (Caan, 2001 p.602-603)

Previous article

[T02.2] Shashi Caan- Tư duy lại về Thiết kế và Nội thất

Next article

[T02.4] Shashi Caan- Tư duy lại về Thiết kế và Nội thất