Skip to content

[T02.2] Shashi Caan- Tư duy lại về Thiết kế và Nội thất

Written by

Linh Phamvu

Lời giới thiệu: Giới thiêu sơ lược về bối cảnh, tác giả và nội dung sách

Chương 2: Tồn tại (Being)

Chương 3: Bên trong (Inside)


Chương 1: Sự tìm kiếm những không gian cư ngụ

Ở phần đầu, tác giả truy xuất lại nguồn gốc ra đời của không gian nội thất thông qua quá trình tiến hóa của loài người. Ý niệm về những không gian cư ngụ đầu tiên (the very first habitable environment) đến với loài người dưới hình dáng của một không gian bên trong- hang động:

“hang động cho phép con người có cảm giác được che chắn bảo vệ khỏi những đe dọa và giải phóng con người khỏi cảm giác bất an hay lo lắng. Từ cái khoảnh khắc mà con người lần đầu tiên bước vào bên trong (go inside), cái ý niệm về việc họ là ai đã trở nên khác biệt rất xa so với thứ mà họ có thể hiểu được nếu chỉ ở bên ngoài (stay outside). Câu chuyện về sự tiến hóa của không gian bên trong do đó chính là một sự phản ánh về lịch sử của chúng ta cũng như những nhu cầu thuộc về bản chất (intrinsic need) để cải thiện cách chúng ta trải nghiệm thế giới. Đó cũng là lý do mà chúng ta làm thiết kế. Việc khai quật sâu vào lịch sử môi trường sống của con người không chỉ là việc nhìn lại (look backward) mà còn chính là một phần của hướng tới tương lai (the view of forward). Việc hiểu biết về nguồn gốc nguyên sơ của môi trường xây dựng (built environment) cho phép con người hiểu rõ hơn về cách mà chúng (môi trường xây dựng) tác đông lên chúng ta. Chỉ khi nào chúng ta ý thức được sự liên kết này, chúng ta mới có thể bắt đầu phát triển cái dàn ý toàn diện về kiến thức tối quan trọng cho việc thiết kế cho tương lai.’’ (Caan, 2011 p.215)

Hình 1. Sơ đồ tóm lược quá trình tiến hóa của không gian trú ngụ (shelter) từ thời tiền sử cho đến tương lai (Caan, 2011 p.235)

Từ việc phát hiện ra những hang động tự nhiên hoang sơ cho đến những hình vẽ đầu tiên được vẽ ra có chủ đích trên vách hang động tới các hoạt động thay đổi, tách rời hang động thành những hình thái nhà ở thô sơ đầu tiên chính là bằng chứng cho việc thiết lập một loạt những nhu cầu kiểm soát khác về vật chất lẫn tinh thần của con người lên môi trường sống, vượt xa ngoài những bản năng sinh tồn tư nhiên. Nói cách khác:

“chính con người chứ không phải việc phát hiện ra không gian cư ngụ đóng vai trò trung tâm trong câu chuyện về nội thất. Thiết kế là một sự can thiệp có chủ đích vào môi trường sống để cải thiện chất lượng cho sự tồn tại của con người. Đáng buồn thay, yếu tố then chốt của bản sắc con người đã không được hiểu đầy đủ. Chúng ta vẫn đang tiếp tục đánh giá sự thành công tương đối của nền văn minh loài người dựa trên những khái niệm kĩ thuật, hiểu sai bí ẩn của sự tiến hóa chủ yếu thông qua những phương pháp lý tính- kĩ thuật hơn là việc đo lường mức độ tiến bộ về sự tự nhận thức ở con người  ” (Caan, 2011 p.317)

Việc xem xét lại nguồn gốc hình thành và phát triển của ngành xây dựng từ những hang động nguyên thủy đã tiết lộ mối quan hệ chặt chẽ giữa không gian bên trong (nội thất) và hình thái bao ngoài (kiến trúc) và cũng đồng thời chỉ ra một quan điểm sai lầm rất phổ biến ngày nay:

“… việc thiết kế và xây dựng có thể được phân loại để phù hợp với những thời đại lịch sử của những phong cách. Tuy nhiên, thời kì tiền sử, một địa hạt đầy hấp dẫn, giai đoạn mà chỉ có những hiện vật hữu hình, thay vì những bằng chứng được ghi chép lại, thì lại hoàn toàn bị cắt rời khỏi môi trường xây dựng đương đại ngày nay. Quan điểm này cũng đồng thời chỉ rõ một nhận định rất đặc hữu:  xem môi trường xây dựng, trên hết như là một hiện tượng bên ngoài (external phenomenon), là một biểu hiện của của sự văn minh, hơn là một trải nghiệm nội tâm cá nhân, được mở rộng từ trong ra ngoài (extends out from within).” (Caan, 2011 p.398)

Nói cách khác, sự phát triển của xã hội loài người và sự ra đời của những phong cách thiết kế đã làm đảo ngược nhận thức của con người về môi trường cư ngụ. Những yếu tố bên ngoài (external conditions) trở thành yếu tố thống trị trong thiết kế. Trong khi đó, những trải nghiệm nguyên sơ nhất giữa con người và không gian bên trong thì đang dần bị quên lãng:

“…nhu cầu của con người về một nơi trú ẩn (shelter) vẫn tồn tại trong chúng ta ngày nay dưới hình thức kí ức về những môi trường đã cưu mang và nuôi dưỡng chúng ta. Những không gian có sự cộng hưởng về mặt cảm xúc (emotional resonance) có thể chính là gợi ý cho câu trả lời: trong một số trường hợp, đó là những kí ức cổ xưa về thiên đường đánh mất, nhưng đồng thời cũng có thể là những nơi chốn gần như bị lãng quên (half-forgotten) mà chúng ta đã từng đi qua khi còn là những đứa trẻ hoặc là người lớn, đang trôi dạt đâu đó trong miền kí ức của chúng ta. Việc tìm kiếm nơi trú ẩn, do đó, mang tính toàn cầu nhưng cũng đồng thời là một hoạt động mang tính cá nhân xét từ bản chất sâu xa nhất.
Một số quan điểm thậm chí đã đưa ý tưởng này đi xa hơn bằng việc cho rằng một trong những kí ức được lưu trữ là một dạng hồi tưởng của một kiểu môi trường nuôi dưỡng lí tưởng: dạ con (the womb)… Ý tưởng về dạ con đặc biệt thú vị ở chỗ nó chỉ ra một cái tham vọng khá chặt chẽ về thiết kế: tạo ra những môi trường có thể hỗ trợ chúng ta một cách toàn diện đồng cũng một sự bảo vệ chắc chắn với thế giới bên ngoài… Không giống như dạ con, cái môi trường bên ngoài này chưa bao giờ tạo điều kiện tối ưu cho sự phát triển của cá thể. Sự mâu thuẫn giữa những nhu cầu nội tại và điều kiện ngoại cảnh thường căng thẳng. Do đó, một không gian nội thất phải có chức năng như một cầu nối giữa những thực tại của thế giới xây dựng (built world) và những điều kiện lí tưởng mà con người tìm kiếm… Điều này giải thích vì sao chúng ta trang trí không gian và thường không để chúng trơ trọi. Những bức tranh trong hang động ở những nơi trú ngụ đầu tiên chính là một nỗ lực truyền đat một thông tin từ trong chính bản thân họ- tổ tiên đầu tiên của chúng ta- vào một cái bình có thể chứa đựng chúng. Không gian nội thất là một không gian đệm trung gian, một khu vực chuyển tiếp (transition zone) giữa bản thân chúng ta và thế giới ở mức độ lớn hơn.”
(Caan, 2011 p.507)

(Còn tiếp)


Nguồn tham khảo:

Caan, S. (2011) Rethinking Design and Interiors- Human beings in the built environment. London: Laurence King Publishing Ltd 

Previous article

[T02.1] Shashi Caan- Tư duy lại về Thiết kế và Nội thất

Next article

[T02.3] Shashi Caan- Tư duy lại về Thiết kế và Nội thất