How societies remember
Bất kể sự tách biệt khỏi kí ức xã hội, việc thực hành những kiến thiết/tái tạo lịch sử (historical reconstruction) có thể, theo những cách quan trọng, nhận một sự thúc đẩy mang tính định hướng từ, và cũng ngược lại, tạo ra những tác động quan trọng đến kí ức của những nhóm xã hội (social groups). Một trường hợp cực đoan điển hình của những tương tác này xảy ra khi một bộ máy chính quyền (a state apparatus) được sử dụng theo một cách có hệ thống để tước đoạt đi kí ức của người dân. Tất cả các chủ nghĩa chuyên chế (totalitarianism) đều cai trị theo cách này, sự nô lệ về mặt tinh thần (mental enslavement) của những đối tượng của một chế độ chuyên chế (totalitarian regime) bắt đầu khi kí ức của họ bị tước đoạt. Khi một quyền lực lớn mạnh muốn loại bỏ ý thức dân tộc (national consciousness) của một quốc gia nhỏ hơn, nó sử dụng phương pháp lãng quên có tổ chức (the method of organized forgetting)… sự đấu tranh của những công dân chống lại chính quyền của họ chính là sự đấu tranh giữa kí ức của họ và sự lãng quên mang tính cưỡng chế, và đối với những người biến nó thành mục đích ngay từ đầu thì (sự đấu tranh này) không chỉ để tự cứu chính mình mà còn là để tồn tại như một nhân chứng cho những thế hệ mai sau, trở thành những người ghi chép nghiêm khắc (relentless recorders)… (trang 14)
Một quan điểm về công việc mang tính trí tuệ này thu hút sự chú ý lên vị trí đặc quyền của những ngành khoa học lịch sử (historical sciences). Cách nhìn nhận sự việc này đến từ việc cô lập sự thực hành của những hiểu biết có phương pháp diễn ra trong cách ngành khoa học lịch sử khỏi một hiện tượng mang tính bao quát toàn bộ (all-embracing phenomenon), những quá trình của việc diễn giải này xảy ra một cách âm thầm và ở tất cả mọi nơi trong cuộc sống hằng ngày. Và điều này dẫn đến một khả năng là sự thực hành của khoa học lịch sử đang tạo ra một khoảng cách mới với quá khứ bằng cách cho phép con người được thoát ly khỏi truyền thống- thứ mà lẽ ra có thể hướng dẫn sự giả định và hành vi của họ. Một kí ức được giảng dạy bởi lịch sử (a historically tutored memory) thì đối nghịch với một kí ức truyền thống không mang tính phản chiếu (an unreflective traditional memory). Và do đó, một ý nghĩa khác của những kiến thức đến từ nhóm ngành này là nó không thể được suy nghĩ (unthinkable) vượt ra khỏi những sắp đặt của một bối cảnh rộng lớn hơn về một cuộc đấu tranh cho bản sắc chính trị. Đây chính là một phần của lịch sử về chủ nghĩa dân tộc. (trang 16)
(Connerton, 2003)
Hôm nay, khi một chị bạn người Úc trong nhóm tôi than thở về việc không thể chấp nhận hình ảnh nữ hoàng nước Anh và tầng lớp quý tộc Anh vào thế kỉ 19 lại được diễn bởi các diễn viên da màu trong series đình đám Bridgerton trên Netflix, tôi bất chợt nhớ đến cuốn sách The Heritage Turn in China- The Reinvention, Dissemination and Consumption of Heritage mà tôi đã giới thiệu gần đây. Trong cuốn sách này, trọng tâm nằm ở khái niệm “sanitized heritage” (di sản được thanh tẩy) và phương thức tiếp cận đầy quyết liệt trong các vấn đề về kí ức- di sản- bản sắc của chính quyền Trung Quốc, vốn đi ngược lại hoàn toàn các lý thuyết bảo tồn di sản được xây dựng từ trước bởi các quốc gia phương Tây (AHD- Authorised Discourse Heritage). Trong đó, việc bản sắc xã hội Trung Quốc được định hình thông qua hành động thanh tẩy, tái tạo hoặc xóa bỏ một phần kí ức có chọn lọc đã thu hút rất nhiều sự quan tâm và nghiên cứu của các học giả phương Tây trong những thập kỉ gần đây.
Và cũng thật ngẫu nhiên khi trong những năm gần đây, hiện tượng blackwashing trên các phương tiện văn hóa đại chúng ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là trong các tác phẩm văn học nghệ thuật kinh điển, vốn là kí ức tập thể của một số nhóm xã hội nhất định (ví dụ như các phim chuyển thể từ truyện cổ tích của hãng Walt Disney). Có nhiều ý kiến phân tích cho rằng đây là hành động phân biệt chủ tộc ngược- tương đồng với hiện tượng whitewashing vốn đã rất phổ biến trong văn hóa đại chúng phương Tây. Tuy nhiên tôi cho rằng, hai hiện tượng trên về bản chất là hoàn toàn đối lập: nếu như whitewashing được xem là hành động củng cố chủ nghĩa da trắng thượng tôn (white supremacy), vốn đã luôn là một phần quan trọng không thể chối cãi của lịch sử văn minh phương Tây thì ngược lại blackwashing dường như đang cố gắng thay đổi, xóa bỏ phần lịch sử này. Thực ra, trong lịch sử các nền văn minh nhân loại, việc chỉnh sửa, xóa bỏ có chọn lọc kí ức tập thể đã luôn là một bước chuẩn bị thiết yếu cho sự chuyển tiếp giữa hai chế độ chính trị khác nhau (Connerton, 2003; Bevan, 2006; Erll and Nünning, 2008). Nói cách khác, kí ức tập thể của một cộng đồng, một quốc gia thực chất là sự phản chiếu mang tính chủ quan của thực tế chính trị trong một giai đoạn lịch sử nhất định.
Khi bắt đầu nghiên cứu về kí ức tập thể, kí ức văn hóa và môi trường xây dựng (built-environment), tôi nhận ra rằng nỗi lo sợ bị thay thế và thao túng bởi trí tuệ nhân tạo (AI) của con người thế kỉ 21 xuất phát từ thực tế: dù đã tiến rất xa trong việc khám phá vũ trụ, làm chủ thế giới tự nhiên nhưng con người đại chúng cho đến giờ vẫn còn mơ hồ về thế giới nội tại của chính bản thân mình (Stein, 2015). Sức mạnh thao túng tâm trí của trí tuệ nhân tạo thực chất đến từ khả năng ghi nhớ vô hạn các quyết định, lựa chọn từ nhỏ nhặt đến quan trọng mà chúng ta thực hiện hằng ngày. Nói cách khác, khả năng lưu trữ kí ức không giới hạn giúp AI tiến rất xa và rất nhanh trong việc giải mã bản đồ tâm trí con người, tạo tiền đề cho khả năng trực tiếp can thiệp vào quá trình hình thành kí ức của mỗi cá nhân và dần dần lan rộng ra cả cộng đồng. Kí ức là một trong những nhân tố quyết định trong việc cấu thành nên bản sắc của một cá nhân, tập thể (Assmann, 2006; Erll and Nünning, 2008). Việc thay đổi, chỉnh sửa các sự kiện lịch sử dù là trong các sản phẩm văn hóa đại chúng, mang đậm tính hư cấu, giải trí đều dẫn đến sự thay đổi to lớn trong kí ức tập thể của những thế hệ đi sau. Ngay tại thời điểm này, có lẽ chúng ta không cần chờ đến sự tiến bộ của AI hay những cuộc cách mạng đẫm máu thay đổi chế độ để nhận ra rằng lịch sử con người vẫn đang được viết lại bởi những thay đổi “nhỏ” trong cuộc sống hằng ngày.
Tài liệu tham khảo:
Assmann, J. (2006) ‘Invisible religion and Cultural memory’, in Religion and Cultural Memory: Ten Studies, pp. 31–45.
Bevan, R. (2006) The destruction of memory : Architecture at war. London : Reaktion. doi: 10.1353/jmh.2007.0089.
Connerton, P. (2003) How societies remember. 10th edn. Cambridge: Cambridge University Press.
Erll, A. and Nünning, A. (2008) Cultural Memory Studies: An International and Interdisciplinary Handbook. BerlinNew York : Walter de Gruyter.
Stein, M. (2015) Jung’s map of the soul. 17th editi. Chicago: Open Court.