Viết cho một ngày đầu năm mới
Năm 2021 của tôi là một năm ngập tràn trăn trở, là năm đánh dấu những bước chân chập chững đầu tiên của tôi vào thế giới nghiên cứu đầy mơ hồ và bất định. Dù có đạt được một số thành công ban đầu giúp mở ra cánh cửa đầu tiên cho phép tôi chính thức bước chân vào địa hạt mênh mông này, vị ngọt của những thành tựu nho nhỏ đó đã nhanh chóng bị cuốn phăng đi bởi cảm giác choáng ngợp và hoang mang. Sự hoang mang đó chiếm lĩnh hoàn toàn tâm trí tôi vào những ngày cuối năm, khiến cái cảm giác háo hức nức nở cho một năm mới sắp đến trở nên mờ nhạt hơn bao giờ hết.
Thế nhưng cách đây mấy ngày, tôi đã có một chuyến đi đáng nhớ đến miền Nam xứ Lào với hai cô bạn. Khi đang leo núi ở Phou Pha Marn, tôi tự hỏi điều gì đã khiến một đứa vốn sợ độ cao kinh niên như tôi lại thấy đầy phấn khích khi tự mình leo lên những đỉnh núi cao chót vót hay khi treo mình lơ lửng giữa độ cao ngàn mét mà không hề chùn bước? Cảm giác sợ hãi đó thực tế vẫn chưa hề mất đi nhưng nó đã nhanh chóng bị che lấp bởi sự khích thích tột độ khi nhận ra bản thân mình đang được đặt chân vào những vùng không gian to lớn vô định giữa đất trời, những miền xa xăm vượt xa khỏi tầm nhìn bình thường của một con người dưới mặt đất. Và cũng trong chuyến đi đó, mọi thứ trở bất chợt trở nên đáng sợ hơn khi chúng tôi phải đối diện với viễn cảnh leo núi trong đêm khi biết rằng việc trở về điểm dừng chân trước khi mặt trời lặn là điều không thể. Thế nhưng, sau đó tôi lại nhận ra rằng việc mò mẫm leo núi trong đêm thực chất không hề đáng sợ đến thế. Việc tập trung vào từng bước chân dựa vào một nguồn sáng duy nhất từ cái đèn pin trên đầu giúp chúng tôi quên mất cảm giác lo lắng về con đường xa xăm trước mắt. Đồng thời, cảm giác lao mình vun vút vào bóng đêm vô định khi đang zipline cũng đem lại cho tôi một sự thỏa mãn và cảm giác bình yên kì lạ. Một cách “tình cờ”, những chuyến phiên lưu này của tôi đã xảy ra cùng thời điểm tôi bắt đầu chuẩn bị cho hành trình khám phá thế giới nghiên cứu học thuật đầy hứa hẹn nhưng cũng rất cô đơn này.
Chính mẩu kí ức đó khiến tôi lại nhớ đến những dòng mở đầu trong cuốn sách Jung’s Map of the Soul: An Introduction của Murray Stein- cuốn sách đầu tiên đem tôi đến trước ngưỡng cửa của thế giới nghiên cứu hàn lâm:
“Mùa hè mà Jung mất, tôi đang chuẩn bị để bước chân vào đại học. Đó là năm 1961, thời điểm mà loài người đang bắt đầu khám phá không gian bên ngoài vũ trụ (outer space) và cuộc chạy đua giữa người Mỹ và Nga để xem ai là người đầu tiên chạm đến được mặt trăng. Tất cả mọi ánh mắt đều đổ dồn vào cuộc thám hiểm vĩ đại vào không gian bên ngoài. Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, con người đã thành công trong việc rời bỏ terra firma (đất liền) và du hành đến những vì sao. Điều mà tôi đã không nhận ra tại thời điểm đó là thế kỉ của chúng ta cũng đã được đánh dấu một cách đầy quyết liệt bởi những cuộc du hành vào bên trong (the journeys inward), những khám phá vĩ đại về thế giới bên trong (inner world) được dẫn đầu bởi những người như Carl Jung vào những thập kỉ trước cả Sputnik và Apollo. Những điều mà John Glenn và Neil Amstrong làm có ý nghĩa với chúng ta như những người khám phá không gian bên ngoài, thì với Jung đó lại chính là không gian bên trong, như một nhà thám hiểm can đảm và dũng cảm vào miền vô định (the unknown).
Jung ra đi một cách bình yên tại ngôi nhà của ông ở ngoại ô Zurich, trong một căn phòng hướng ra một hồ nước tĩnh lặng ở phía tây. Ở phía nam thì có thể nhìn ra dãy Alps. Vào một ngày trước khi mất, Jung đã nhờ con trai dìu ông đến bên cửa sổ để có thể nhìn thấy dãy núi này thân thuộc lần cuối. Ông đã dành cả đời để khám phá không gian bên trong và miêu tả lại những khám phá của mình trong những bài viết. Bằng một cách tình cờ, năm mà Neil Amstrong đặt chân lên bề mặt của mặt trăng, tôi đã bắt đầu hành trình tới Zurich, Switzerland để học tại Jung Institute. Những điều mà tôi chia sẻ trong cuốn sách này là những sàng lọc của gần 30 năm nghiên cứu về bản đồ tâm hồn của Jung.
Mục đích của cuốn sách này là để thuật lại những phát hiện của Jung khi ông trình bày chúng trong những nghiên cứu đã được xuất bản. Đầu tiên, việc phát hiện ra Jung tự bản thân nó đã giống như việc được kết nối vào một “Sea of Mystery” như Fuentes đã từng miêu tả trong cuốn sách của ông về những nhà thám hiểm đã du hành băng qua Atlantis từ Tây Ban Nha. Đó chính là cảm giác của sự háo hức nhưng cũng đồng thời là nỗi sợ khi một người đặt chân vào những miền xa xăm. Tôi vẫn nhớ những nỗ lực đầu tiên của mình. Tôi hoàn toàn bị cuốn trôi đi bởi quá nhiều háo hức với một viễn cảnh mà tôi đã, một cách đầy bất an, phải tìm kiếm lời khuyên từ rất nhiều giáo sư đại học của mình. Tôi đã tự hỏi liệu nó có “an toàn” không? Jung đã quá cuốn hút đến độ ông trông có vẻ như quá hoàn hảo để có thể là thực. Liệu tôi có bị lạc lối, mơ hồ hoặc sai hướng? May mắn thay, những người hướng dẫn này đã bật đèn xanh cho tôi và tôi đã bắt đầu hành trình khám phá và tìm kiếm kho báu từ đó.
Hành trình khám phá của bản thân Jung thậm chí còn đáng sợ hơn nhiều. Ông hoàn toàn không có khái niệm về việc liệu mình có thể tìm thấy kho báu hay sẽ rơi vào một thế giới vô định bên ngoài kia. Sự vô thức (the unconscious) thực sự là một Mare Ignotum (miền vô định) khi ông tự dấn thân vào nó. Nhưng khi ấy, Jung còn trẻ và đầy can đảm và ông đã quyết tâm tìm kiếm những khám phá mới. Do đó ông đã quyết định lao vào.
Jung thường tự liên hệ bản thân mình như một người tiên phong và một nhà khám phá những bí ẩn chưa được biết tới – tâm hồn con người (the human soul). Jung có vẻ như có một tinh thần thích mạo hiểm. Đối với ông, và cũng đối với chúng ta cho đến tận bây giờ, tâm trí con người (human psyche) là một địa hạt mênh mông, và vào thời kì của ông, nó vẫn chưa được nghiên cứu nhiều. Đó là một điều bí ẩn thách thức những kẻ mạo hiểm với sự hứa hẹn về một khám phá to lớn và đồng thời đe dọa những kẻ yếu bóng vía về nguy cơ bị mất trí. Đối với Jung, việc nghiên cứu về tâm hồn cũng đồng thời trở thành một phát hiện lịch sử mang tính quyết định, bởi vì, nhưng ông đã từng nói, cả thế giới đều treo trên một sợi chỉ mỏng và sợi chỉ đó chính là tâm trí con người. Đó là vấn đề sống còn để chúng ta phải hiểu biết hơn về nó.”