Skip to content

[TO5.4] Hassan Fathy- Kiến trúc cho người nghèo

Written by

Linh Phamvu

Lời người dịch
Phần 1: Đặc tính kiến trúc
Phần 2: Qúa trình ra quyết định
Phần 3: Vai trò của truyền thống


Phần 3. Vai trò của truyền thống

Truyền thống là một sự tương đồng mang tính xã hội của những thói quen cá nhân, và trong nghệ thuật nó cũng đóng vai trò tương tự. Truyền thống giúp giải phóng người nghệ sĩ khỏi những lựa chọn dễ gây xao nhãng và không cần thiết, để từ đó, họ có thể đặt toàn bộ tâm trí vào vấn đề cốt lõi nhất. Khi một lựa chọn mang tính nghệ thuật được thông qua, bất kể khi nào và bởi ai, thì nó đều không thể vãn hồi mà không gây ra thiệt hại, và do đó nó nên nằm trong ngưỡng chung về thói quen để không gây phiền nhiễu cho chúng ta về sau.

Truyền thống không nhất nhiết là lỗi thời và cũng không đồng nghĩa với lạc hậu. Ngoài ra, truyền thống không cần phải có xuất phát điểm quá xa xôi mà có thể bắt nguồn gần đây. Ngay khi con người lao động đầu tiên gặp một vấn đề và tìm cách vượt qua nó thì đó là bước đầu tiên trong quá trình hình thành truyền thống được tiến hành. Khi một người lao động khác quyết định sử dụng lại cùng một giải pháp, truyền thống bắt đầu được định hình và khi người lao động thứ ba quyết định tiếp nối và thêm vào đó sự đóng góp của cá nhân, truyền thống gần như được hình thành. Đối với một vài vấn đề dễ giải quyết, con người có thể quyết định trong vài phút. Thế nhưng cũng có những vấn đề đòi hỏi thời gian, có thể là một ngày, một năm hay thậm chí cả một đời người. Trong những trường hợp trên, giải pháp đôi khi chỉ là sản phẩm của một người. Tuy nhiên, cũng có những giải pháp chỉ được tìm ra sau khi trải qua rất nhiều thế hệ, thời điểm mà truyền thống đóng vai trò sáng tạo. Những giải pháp đó chỉ có thể được thực hiện bởi truyền thống, bởi sự trân trọng và sự đóng góp vào thành quả của những thế hệ đi trước, rằng mỗi thế hệ đều có thể tạo ra những thúc đẩy tích cực vào giải pháp của vấn đề. Khi truyền thống giải quyết được một bài toán khó và có dấu hiệu chậm lại, đó là lúc chu trình của nó đã được hoàn thiện. Thế nhưng, trong kiến trúc, cũng như trong những hoạt động khác của loài người và trong tự nhiên, có những chu trình chỉ vừa bắt đầu, một số đã hoàn thiện, và một số khác đang trong giai đoạn phát triển và tất cả chúng đều cùng tồn tại trong một xã hội.

Cũng có những truyền thống đưa ta quay về lại thời kì sơ khai của loài người. Những truyền thống đó vẫn đang sống và có lẽ sẽ trường tồn cùng với xã hội loài người như truyền thống trong nghề làm bánh mì hay truyền thống trong nghề đúc gạch.

Mặt khác, cũng có những truyền thống mặc dù chỉ mới xuất hiện và chỉ đang ở trong những giai đoạn đầu của chu trình phát triển, thực tế đã được định là chết.  Chủ nghĩa hiện đại không có nghĩa là năng nổ và thay đổi thì không phải lúc nào cũng tốt hơn. Ngược lại cũng có những trường hợp đòi hỏi sự cải cách. Quan điểm của tôi là cải cách bắt buộc phải là một giải pháp thấu đáo cho một sự thay đổi trong những điều kiện nhất định chứ không vì chiều theo lợi ích của chính nó. Không ai hỏi rằng liệu trạm điều khiển không lưu được xây dựng dựa trên thói quen của người nông dân và một kết cấu công nghiệp như trạm điện hạt nhân có thể tạo ra một truyền thống mới cho những người thiết kế.

Khi một truyền thống cụ thể được xác lập và chấp nhận, nhiệm vụ của mỗi một nghệ sĩ là duy trì truyền thống đó với sự sáng tạo của mình và một cái nhìn sâu sắc để từ đó tạo ra động lực thúc đẩy chu kì phát triển của truyền thống từ chỗ thoát khỏi sự trì trệ cho đến khi hoàn thiện. Truyền thống sẽ giúp đỡ người nghệ sĩ trong nhiều quyết định nhưng đổi lại họ cũng có nhiệm vụ ngăn cản sự lụi tàn của truyền thống trong khả năng của mình. Thực tế chỉ ra rằng, khi truyền thống càng phát triển, người nghệ sĩ càng phải nỗ lực hướng về nó nhiều hơn.

Truyền thống đối với những người nông dân chính là thành trì bảo vệ duy nhất cho văn hóa của họ. Người nông dân không thể phân biệt thứ bậc giữa những phong cách xa lạ và nếu họ bị trật khỏi đường ray truyền thống, họ sẽ không thể tránh khỏi những tai họa. Quyết tâm phá vỡ truyền thống trong một xã hội truyền thống từ gốc như của những người nông dân chính là một dạng sát thủ truyền thống và người kiến trúc sư phải thể hiện sự tôn trọng với truyền thống mà họ đang xâm phạm. Trong khi những giải pháp mà họ ứng dụng trong thành thị lại là một vấn đề khác, bởi vì ở nơi đó, người dân và môi trường đô thị có thể tự chăm sóc bản thân mình.

Những kiến trúc sư nên tin rằng truyền thống không phải là rào cản với đối họ. Khi toàn bộ sức mạnh của trí tượng con người được chống lưng bởi sức nặng của một truyền thống đang sống, thì kết quả tác phẩm của họ sẽ tốt hơn rất nhiều so với bất kì một nghệ sĩ nào không dựa vào hoặc chối bỏ truyền thống của chính họ.

Nỗ lực của một người có thể đem lại một tiến bộ hoàn toàn không cân xứng nếu như người đó đang xây dựng dựa trên truyền thống sẵn có. Điều đó giống như thêm một tinh thể siêu nhỏ vào một giải pháp vốn đã cực kì bão hòa để từ đó cả tổng thể bỗng kết tinh lại một cách ngoạn mục. Tuy vậy sự kết tinh trong nghệ thuật thì khác, nó không phải là thứ chỉ xảy ra một lần và mãi mãi mà một hoạt động phản xạ cần phải luôn được làm mới. “Biết đủ tức là đủ, tức là đủ. Biết nhàn là nhàn, tức là nhàn.” (Lão Tử)

Kiến trúc vẫn luôn là một trong những môn nghệ thuật mang tính truyền thống. Một công trình kiến trúc phải được ứng dụng, hình thức của nó đa số được quyết định bởi những tiền lệ và công trình kiến trúc thường được lắp đặt trong cộng đồng nơi mà nó được nhìn thấy mỗi ngày.

Người kiến trúc sư nên thể hiện sự tôn trọng với công sức của những thế hệ đi trước và cảm xúc của cộng đồng để không sử dụng kiến trúc như một công cụ quảng cáo bản thân. Sự thật rằng, không có kiến trúc sư nào mà không vay mượn từ những kiến trúc đi trước, nếu họ càng chắt lọc kỹ lưỡng từ nguyên bản thì một phần lớn thiết kế của họ một ngày nào đó cũng sẽ trở thành một phần của truyền thống. Vậy thì tại sao người kiến trúc sư phải gạt bỏ truyền thống của chính đất nước hay cộng đồng mình? Tại sao người kiến trúc sư lại cố gán ghép những hình thức ngoại lai vào truyền thống vốn có để tạo ra một tổng thể giả tạo và miễn cưỡng? Tại sao người kiến trúc sư phải xúc phạm đến những kiến trúc sư đi trước bằng việc làm biến dạng hoặc áp dụng một cách lệch lạc những ý tưởng của họ? Điều này xảy ra khi một yếu tố kiến trúc, vốn phải trải qua nhiều năm để đạt được một kích thước, hình dạng và công năng hoàn chỉnh, nay lại bị treo ngược hoặc phóng to đến mức không thể nhận dạng và mất đi tính công năng vốn có, đơn giản chỉ để tô điểm cho sự hám danh một cách ích kỷ của người kiến trúc sư.

Hãy lấy một ví dụ rằng: Con người đã mất rất nhiều năm để có thể thiết kế một kích thước chuẩn cho một ô cửa sổ trong nhiều kiến trúc truyền thống khác nhau. Ngày nay, nếu một kiến trúc sư vô tình mắc sai lầm bằng việc phóng to kích thước ô cửa sổ cho đến khi nó chiếm hữu toàn bộ bức tường, anh ta sẽ phải đối diện với một vấn đề: bức tường kính mới này sẽ nhận bức xạ gấp 10 lần so với một bức tường đặc. Bây giờ, để che bóng cho ô cửa sổ, anh ta sẽ thêm vào một tấm chắn sáng (a brise soleil) thực chất chỉ như một cái màn sáo (Venetian blind) và căn phòng vẫn sẽ nhận hơn 300% bức xạ so với một căn phòng có tường đặc. Ngoài ra, khi kiến trúc sư nới rộng độ dày của những lát chắn ở cái màn sáo từ 4cm lên 40cm để cân xứng với kích thước của bức tường kính, vậy thì kết quả sẽ là gì? Thay vì chấp nhận một nguồn sáng dịu nhẹ từ màn sáo, nó sẽ làm nhức mắt mọi người khi ở trong một căn phòng tràn ngập những mảng bóng đổ nổi bật trên cái nền sáng chói lóa.

Không chỉ thế, tầm nhìn, vốn được đảm bảo bởi thứ trước khi là bức tường kính này, nay đã bị lột trần hoàn toàn bởi những thanh chắn lớn cắt ngang. Ngay cả khi trong điều kiện khí hậu lạnh như ở Paris, một bức tường kính vẫn bị có thể bị xem như là một sự cường điệu mất quá đà. Trong suốt một mùa hè oi ả năm 1959, nhiệt độ bên trong của tòa nhà UNESCO, mặc dù đã sử dụng hệ thống máy lạnh để làm mát nhưng dưới tác động của hiệu ứng nhà kính, nhiệt độ trong những bức tường kính đã tăng cao đến mức nhiều nhân viên ngất xỉu. Không cần phải bình luận thêm sau đó về sự ra đời của những bức tường kính và tấm chắn sáng ở những quốc gia nhiệt đới và thật khó để tìm ra một ví dụ về kiến trúc nhiệt đới hiện đại mà không sử dụng các yếu tố này.

Nếu như người kiến trúc sư có thể bước đi một cách tỉnh táo giữa truyền thống của văn hóa, thì họ không có gì để lo rằng chất nghệ sĩ trong họ sẽ bị bóp nghẹt. Xa hơn thế nữa, chính điều đó sẽ tự bộc lộ bản thân nó trong sự đóng góp tích cực vào truyền thống cũng như vào sự tiến bộ của nền văn hóa cộng đồng của chính người kiến trúc sư.

Khi kiến trúc sư phải làm việc với một truyền thống rõ ràng, ví dụ như một ngôi làng được xây dựng bởi những người nông dân, thì họ không có quyền phá vỡ truyền thống đó chỉ vì một sự ngẫu hứng vô lý mang tính cá nhân. Những thứ có thể áp dụng ở những thành phố quốc tế như Paris, London hay Cairo sẽ giết chết một ngôi làng. Tâm trí con người vốn rất phức tạp nên mỗi một quyết định của họ đều đặc biệt. Sự phản ứng của họ với môi trường xung quanh chính là sự độc đáo của riêng họ. Khi giải quyết những bài toán liên quan đến con người, nếu bạn chỉ xem con người như một tổng thể chung chung trừu tượng và chỉ tận dụng những đặc điểm chung thì bạn đã phá hỏng đi sự độc đáo của mỗi cá thể.

Những người quảng cáo lợi dụng những điểm yếu chung của con người, những nhà sản xuất cố gắng làm hài lòng thị hiếu số đông, những người làm giáo dục thì rèn luyện những phản xạ chung, tất cả những hoạt động đó đều sẽ giết chết tâm hồn. Mỗi hành động đó, việc đề cao quá mức những đặc điểm chung, đều sẽ yếu tố cá nhân bị gạt bỏ. Ở một mức độ nào đó, mỗi một cá nhân đều phải hi sinh vì tập thể, nếu không thì xã hội sẽ không thể hình thành và con người sẽ chết trong cô độc. Thế nhưng mỗi chúng ta nên tự hỏi chính bản thân mình, dựa trên đặc tính con người, làm thế nào để những yếu tố cá nhân và tập thể có thể được cân bằng. Một cách chắc chắn và dễ dàng được chấp nhận một cách rộng rãi, những kẻ quảng cáo cho cái chung đã chiến thắng và loại bỏ khỏi cuộc sống hiện đại cái truyền thống của mỗi cá thể. Sự cổ xúy cho sự tương đồng (sameness) đã chiến thắng tuyệt đối và dễ dàng loại bỏ khỏi cuộc sống hiện đại cái truyền thống của mỗi cá thể.

Hình 1. Mặt bằng của hai ngôi nhà của người nông dân (Fathy 1973)
Hình 2. Sân trong của một ngôi nhà của người nông dân (Fathy 1973)

Truyền thông đại chúng, sản xuất hàng loạt, giáo dục đại trà chính là dấu ấn của xã hội hiện đại của chúng ta, nơi mà ngay cả cộng sản hay tư bản, đều giống nhau đến mức không thể phân biệt. Một người công nhân điều khiển máy trong một nhà máy chẳng hề đặt bản thân vào trong những thứ mà máy móc của anh ta tạo ra. Những sản phẩm được tạo ra bởi máy móc là đồng nhất, không mang dấu ấn cá nhân và không hấp dẫn đối với người sử dụng cũng như bản thân người thợ đứng máy (machine minder). Những sản phẩm làm bằng tay hấp dẫn với chúng ta bởi vì nó chứa đựng cảm xúc của người thợ thủ công. Mỗi một sự dị biệt, kì lạ và khác biệt là kết quả những quyết định được đưa ra tại từng thời điểm của quá trình sản xuất, sự thay đổi trong thiết kế là khi người thợ thủ công cảm thấy nhàm chán khi với sự lập lại của những mô tuýp giống nhau hay việc thay đổi màu sắc khi một màu sắc hoặc một loại chỉ dệt bị sử dụng hết, chính là bằng chứng cho sự tương tác “sống” liên tục của người thợ với nguyên liệu của mình. Do đó, khi ta sử dụng những sản phẩm đó, ta sẽ hiểu được cá tính của người thợ thủ công thông qua từng sự ngập ngừng hay tính hài hước (cài gắm bên trong sản phẩm), và cũng vì lý do này mà sản phẩm đó sẽ trở thành một phần có giá trị trong cộng đồng của nó.

Tài liệu tham khảo:

Fathy, H. (1973) Architecture for the Poor: An experiment in rural Egypt, Chicago London: The University of Chicago

Previous article

[T05.3] Hassan Fathy- Kiến trúc cho người nghèo

Next article

[T06] Juhani Pallasmaa - Đôi mắt của làn da