Skip to content

Tháp người Castell và sự trở mình của phim truyền hình Hàn Quốc

Written by

Linh Phamvu

[Tôi không phải là một nhà phê bình phim, nhà xã hội học cũng không phải là một người hâm mộ điện ảnh bài bản. Do đó những gì tôi viết ra đây chỉ là kết quả quan sát mà đa phần là tự phát, cá nhân theo thời gian, chưa mang tính hệ thống. Bài viết này cũng không nhằm mục đích ca ngợi hay chỉ trích mà chỉ để chia sẻ suy nghĩ về các góc độ khác nhau của một vấn đề.]


Tôi chưa bao giờ là fan hâm mộ của phim truyền hình Hàn Quốc, nhưng cũng đã biết kha khá về phim truyền hình Hàn từ những năm 90 nhờ kí ức về những giờ luyện phim thâu đêm với mẹ. Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh mẹ tôi sau giờ dạy, chạy vội về nhà bật tivi lên và rồi thỉnh thoảng bật khóc thút thít vì một cảnh nào đó trong bộ phim Khăn Tay Vàng. Hoặc có những buổi tối, tôi nằm cạnh mẹ trên giường, chập chờn trong giấc ngủ, còn mẹ tôi thì say sưa theo dõi bộ phim Người Mẫu trên màn hình tivi sáng choang trước mắt.

Tôi chưa từng đánh giá cao phim truyền hình Hàn Quốc, thậm chí còn có định kiến sâu sắc bởi kịch bản rập khuôn đơn điệu, cường điệu tâm lý nhân vật và tô hồng thực tế một cách thái quá. Thế nhưng càng lớn, định kiến đó càng dịu lại khi tôi dần nhận ra lý do trần trụi đằng sau những thước phim đẹp đẽ lãng mạn ấy: Xã hội Hàn Quốc là một xã hội đầy khắc nghiệt. Sự khắc nghiệt đó dường như là một phần truyền thống được sản sinh ra từ mặc cảm thua kém? Mặc cảm đó thúc đẩy họ nỗ lực vươn lên bằng mọi giá, chấp nhận hy sinh mỗi cá nhân để đổi lấy thành công lớn hơn của tập thể. Chi tiết này khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh cuộc thi xây dựng tháp người (castell) ở Catalonia, Spain.

Nguồn: Internet
Nguồn: Internet

Nhìn từ xa, hình ảnh sừng sững của một ngọn tháp mọc lên từ biển người đan quyện vào nhau sẽ dễ khiến bạn bị choáng ngợp. Thế nhưng khi nhìn kĩ vào chi tiết, bạn sẽ cảm nhận được sự ép khủng khiếp lên mỗi một con người góp phần tạo nên sự vĩ đại đó. Trong đó, sự thành công của ngọn tháp được đánh dấu khi một enxaneta (luôn luôn là một đứa trẻ nhỏ) leo lên đỉnh tháp và vẫy chào bằng một tay. Chi tiết này đã khiến rất nhiều người xem phản ứng vì lý do an toàn. Thế nhưng, trong đoạn video phỏng vấn những casteller, họ cho rằng việc chấp nhận các rủi ro của cá nhân để duy trì một hoạt động truyền thống mang giá trị tinh thần cho cả một cộng đồng là xứng đáng và cần thiết. Kí ức tập thể được xây dựng và truyền lại thông qua những hy sinh cá nhân và đó là thứ gắn kết, tạo nên sự kiêu hãnh và tự hào của một cộng đồng. Khi quan sát giá trị tinh thần lẫn các nguyên lý xây dựng cấu trúc của tháp, tôi cho rằng hình ảnh tháp người castell này là một ẩn dụ hoàn hảo lý giải cho sự trỗi dậy nhanh chóng của châu Á nói chung và sự phát triển thần kì của Hàn Quốc nói riêng. Đây là một ví dụ trực quan nhất cho triết lý: hy sinh đời bố, củng cố đời con của các nước phương Đông. Trên thực tế ở các quốc gia châu Á, sự hy sinh này không chỉ kết thúc bằng một vài cuộc chiến tranh đẫm máu mà còn kéo dài rất lâu sau đó qua rất nhiều thế hệ, cho đến tận ngày nay.

Do đó, khi nhìn vào những bộ phim truyền hình Hàn với dàn diễn viên đẹp rạng ngời bất chấp hoàn cảnh, những lý tưởng về tình yêu lãng mạn, sâu sắc thì tôi lại tự hỏi cái áp lực khủng khiếp nào đang đè nặng lên xã hội đó khiến họ phải tự huyễn hoặc mình vào một thứ niềm tin ảo dịu, như tìm kiếm một chỗ trú ẩn cho tâm hồn trong cuộc sống hằng ngày? Ban đầu, đây chỉ là những câu hỏi mơ hồ không có cơ sở. Thế nhưng câu hỏi ngày càng được củng cố khi tôi bắt đầu bước chân vào lĩnh vực điện ảnh của họ với những bộ phim của Kim Ki Duk, Park Chan Wook, Bong Joon Ho. Tôi đã bị sốc với những thước phim tàn bạo đẫm máu và đôi khi phi logic một cách khó chấp nhận. Bạo lực có mặt ở khắp mọi nơi. Sự ngột ngạt, bế tắc bao trùm lên hầu hết các bộ phim điện ảnh kinh điển của Hàn. Một sự tương phản khủng khiếp giữa điện ảnh và truyền hình.

Thế nhưng cái hố sâu to lớn đó đang dần được lấp đầy bởi những nỗ lực cải tiến rất rõ rệt đến từ mảng truyền hình. Trong vài năm trở năm, dù vẫn trung thành với chủ đề tình yêu nhưng bối cảnh phim truyền hình đã được mở rộng, câu chuyện đa chiều và thực tế hơn, thông điệp cũng đa dạng và gắn liền với cuộc sống hơn. Và đặc biệt trong năm nay, truyền hình Hàn “bất ngờ” gây được tiếng vang toàn cầu với 2 siêu phẩm Squid Game và Hellbound (ở góc độ cá nhân, My Name và Hellbound là hai bộ phim tôi đặc biệt ấn tượng). Đây là hai đứa con lai hoàn hảo giữa điện ảnh và truyền hình Hàn: vẫn gây sốc cho người xem bởi sự tàn nhẫn, đẫm máu, ngột ngạt nhưng cũng rất giỏi trong việc khai thác những khoảnh khắc đầy cảm xúc các nhân vật. Trong đó, khuyết điểm lớn nhất vẫn là luôn là tính logic và chiều sâu tư tưởng ở mỗi cá thể. Tuy nhiên tôi cho rằng, cả ưu và khuyết điểm này đều là những ẩn dụ hoàn hảo về xã hội tháp người ở Hàn Quốc.

Rõ ràng, sự thành công rực rỡ của Squid Game hay Hellbound không phải chỉ là những thành công mang tính cá biệt của phim truyền hình mà tôi tin rằng, đó là kết quả của những cuộc đấu tranh- xung đột xã hội không ngừng nghỉ qua nhiều thế hệ, là quả ngọt của chiến dịch quảng bá văn hóa Hàn được tính toán tỉ mỉ bắt đầu từ những năm 90 cùng với sự trỗi dậy mạnh mẽ của nền kinh tế từ trước đó. Tuy nhiên, đi kèm với những thành công rực rỡ trên thị trường quốc tế là những bê bối đạo đức gây chấn động cùng hàng loạt các vụ tử tử đau xót của những idol trẻ tuổi- sản phẩm công nghệ của nền văn hóa đại chúng. Trong đó, bản thân khái niệm “đại chúng” đã nói lên việc chú trọng vào sự phổ quát lên số đông hơn là chiều sâu chuyên biệt, hé lộ một phần nguyên lý nền tảng cho sự thành công thần kì này. Và cũng không quá ngạc nhiên khi BTS- một nhóm nhạc idol được đích thân tổng thống Hàn Quốc bổ nhiệm làm đặc phái viên ngoại giao, đại diện Hàn Quốc tham gia các sự kiện ngoại giao quốc tế. Sự kiện này một lần nữa khẳng định mối liên hệ chặt chẽ giữa 3 khái niệm chính trị- văn hóa- xã hội trong sự trỗi dậy này.

Tôi tin rằng Hàn Quốc là một case study thú vị trong việc nhào nặn, điều chỉnh cả một xã hội sao cho vừa khít vào một số khuôn mẫu được thiết kế sẵn nhằm tối ưu hóa khả năng cạnh tranh trong thời gian ngắn nhất có thể. Khái niệm này có khiến bạn cảm thấy quen thuộc?

Nhìn chung, tôi cho rằng việc áp đặt những khung đạo đức cơ bản đúng sai lên quyết định của một cộng đồng, một quốc gia hay cả một dân tộc là dư thừa và không phù hợp, tương tự như trường hợp Trung Quốc và cách quản lý di sản của họ trong bài dịch vừa qua. Bởi vì sự phát triển, quy mô và tầm vóc của một cộng đồng, một quốc gia hay một dân tộc thường vượt xa khả năng đánh giá vốn dựa trên thời gian vật chất ngắn ngủi của một đời người.

Previous article

How societies remember

Next article

Viết cho một ngày đầu năm mới