[T07] Di sản vắng mặt và ám ảnh thực tại
[Lời người dịch] Có một lần cách đây vài năm, tôi tình cờ đọc được một bài phỏng vấn trên trang World Photo với nhiếp ảnh gia người Bỉ Reginald Van de Velde về một dự án mang tên The Fascinating Architecture of Cooling Towers, dự án nhiếp ảnh ghi lại những hình ảnh bên trong các tháp giải nhiệt (cooling tower) đã ngưng hoạt động ở châu Âu. Bên cạnh sự ấn tượng mạnh mẽ về mặt thị giác đến từ các thiết kế kiến trúc và tỉ lệ chi tiết, không gian mang âm hưởng của những bộ phim khoa học viễn tưởng, tôi đã bị xúc động sâu sắc bởi một thứ cảm xúc mà mãi đến gần đây, tôi mới có thể lý giải được: Cảm giác sững lại khi bất chợt bị khóa chặt vào một khoảnh khắc ngưng đọng kì lạ, một nút pause trong chuyển đoạn giữa quá khứ và hiện tại. Trong khoảnh khắc đó, tôi nhận ra rằng thực tại tĩnh lặng trống trải của những không gian mênh mông siêu thực này thực chất được cấu thành bởi nhiều lớp quá khứ được lồng ghép vào nhau. Tương tự như cách mà Reginald đã miêu tả về cảm xúc của ông khi theo đuổi dự án này:
“It is quite ironic, in a sense, to seek out freshness precisely in those places where there is none left” (Nó nghe có vẻ hơi nghịch lý khi cho rằng có thể tìm kiếm sự mới mẻ chính xác tại những nơi mà chẳng còn gì tồn tại).
Lanscapes Within là cách mà Reginald gọi tên dự án này, trong đó, “within” là một khái niệm mở rộng thường được sử dụng gần đây để miêu tả không gian bên trong thay vì “interior” (nội thất) nhằm loại bỏ sự phụ thuộc tuyệt đối một cách cứng nhắc vào lớp vỏ bao kiến trúc như cách tư duy truyền thống, kêu gọi tư duy lại về đối trọng cân bằng giữa kiến trúc-nội thất.
Khái niệm “thực tại bị ám ảnh bởi quá khứ” thực chất đã được phân tích và sử dụng trong các nghiên cứu về di sản gần đây, từ đó dẫn đến một khái niệm đầy thú vị “absent-present” heritage (di sản vắng mặt) mà tôi muốn giới thiệu trong bài dịch lần này. Bài dịch này là một chương nhỏ trong báo cáo khoa học mang tên “Absent- Present” Heritage: The Cultural Heritage of Dwelling on the Changjian ( (Yangtze) River”, viết bởi giáo sư Andrew Law and Xi Chen năm 2020. Bài báo cáo giới thiệu sơ lược về cơ sở lý luận hình thành nên khái niệm “absent-present” heritage. Từ đó ứng dụng vào phân tích dấu vết còn sót lại từ những sinh hoạt văn hóa cộng đồng đã từng tồn tại bên bờ sông Dương Tử và sự lưu giấu của những “bóng ma quá khứ” đó được lồng ghép vào thực tại ra sao.