Skip to content

[T05.3] Hassan Fathy- Kiến trúc cho người nghèo

Written by

Linh Phamvu

Lời người dịch
Phần 1: Đặc tính kiến trúc
Phần 2: Qúa trình ra quyết định
Phần 3: Vai trò của truyền thống


Phần 2. Qúa trình ra quyết định

Tôi cho rằng chúng ta không thể giải quyết cuộc khủng hoảng nói chung trong kiến trúc Ai Cập chỉ bằng việc xây dựng một hoặc hai ngôi nhà hay thậm chí cả một ngôi làng chỉn chu như một kiểu hình mẫu. Thay vào đó, chúng ta phải cố gắng chẩn đoán đúng bệnh để từ đó hiểu được nguyên nhân cơ bản của sự khủng hoảng này và giải quyết nó từ gốc.

Sự suy tàn của văn hóa bắt nguồn từ chính mỗi cá nhân khi họ phải đối diện với những lựa chọn mà bản thân họ không đủ khả năng đưa ra quyết định và chúng ta phải giải quyết sự khủng hoảng đó ngay từ chính giai đoạn này. Xây dựng là một hoạt động sáng tạo mà ở đó khoảnh khắc mang tính quyết định chính là thời điểm hình thành ý tưởng (the instant of conception) – thời điểm mà cái tinh thần của kiến trúc bắt đầu thành hình và tất cả những đặc điểm của một sáng tạo mới được cho hiển lộ.

Nếu như những đặc tính của một sinh vật sống là không thể thay đổi từ khoảnh khắc sự thụ tinh được bắt đầu thì đặc tính của một công trình kiến trúc được quyết định bởi một phức hợp những quyết định được lựa chọn bởi một tập thể có trách nhiệm trực tiếp trong tất cả mọi giai đoạn của quá trình xây dựng. 

Do đó, thời điểm hình thành ý tưởng để tạo nên hình dáng cuối cùng của một cá thể sống hay một công trình xây dựng là một tập hợp của những giai đoạn mang tính quyết định trong tổng thể quá trình sáng tạo. Nếu chúng ta có thể xác định và nắm bắt được những giai đoạn này thì chúng ta có thể kiểm soát được toàn bộ quá trình hình thành đó.

Việc thực hành một cách có chủ đích những quyết định hay còn gọi là quá trình đưa ra quyết định chính là hoạt động trung tâm của sự sống và khi một thực thể sống có càng nhiều cơ hội được lựa chọn thì mức độ phức tạp trong đời sống của sinh vật ngày càng được nâng cao.

Từ những thực thể sống đơn giản giản nhất được biết đến như luân trùng (rotifera), loài sinh vật mà toàn bộ sự sống của chúng chỉ được phân biệt bằng hai khái niệm: ăn được (edible) và không ăn được (inedible) cho đến những sinh vật phức tạp nhất như loài người, loài sinh vật mà toàn bộ cuộc sống của chúng được lấp đầy bởi những quyết định được lựa chọn hoặc phải lựa chọn. Không có sinh vật nào trong suốt đời sống của nó mà không phải trải qua quá trình lựa chọn. Tồn tại chính là để lựa chọn. (To be alive is to make decisions)

Những quyết định mà một con người phải lựa chọn thì tinh tế hơn nhiều và đòi hỏi sự đánh giá có ý thức với nhiều nhân tố tham gia hơn hẳn so với những sinh vật đơn giản. Hơn thế nữa, những quyết định của loài người khác biệt hơn hẳn về mặt chất lượng so với những sinh vật khác vì con người có khả năng thay đổi thế giới xung quanh họ bằng những quyết định của chính họ. Những quyết định đó có thể khiến diện mạo, bản chất thế giới này thay đổi một cách sâu sắc. Bởi vì mỗi quyết định của con người đều mang một tiềm năng to lớn, cả tích cực lẫn tiêu cực, cho nên trách nhiệm của con người cũng rất nặng nề.

Đây cũng chính là một trong những khía cạnh quan trọng nhất của tình trạng khó khăn của con người. Bởi vì tất cả những lựa chọn của con người đều có khả năng thay đổi thế giới nên họ không thể thoát khỏi chính những quyết định này. Con người hoàn toàn ý thức được sự tích cực hay tiêu cực mà họ gây ra cũng như vẻ đẹp hay sự xấu xí được tạo ra từ đó.

Chuyện kể rằng, ngày xưa khi thượng đế gọi các thiên thần đến để trao cho họ trách nhiệm của việc ra quyết định, các thiên thần đã từ chối một cách khéo léo để có thể mãi mãi giữ được sự hòa hợp hoàn hảo với vũ trụ này. Thượng đế sau đó đề nghị những ngọn núi chấp nhận món quà này. Tuy nhiên những ngọn núi cũng từ chối nó, hài lòng để bị lệ thuộc vào sức mạnh của tự nhiên. Thế nhưng khi thượng đế trao cho con người sự trách nhiệm như một món quà thì những sinh vật cao ngạo đó đã chấp nhận nó mà đã không ý thức được hậu quả.

Chính vì lẽ đó mà ngày nay, con người dù muốn hay không thì luôn bị trói buộc vào trách nhiệm, thứ mà cả những thiên thần lẫn những ngọn núi đều e sợ. Nhưng đồng thời việc này cũng chứng minh được sự vĩ đại của loài người hơn hẳn những sinh vật khác. Do đó, chúng ta không được quên rằng, chúng ta đã chấp nhận thử thách và nếu bị đánh bại thì chúng ta sẽ bị xem như một sinh vật đầy tự phụ và đáng khinh nhất của tạo hóa.

Thế giới này tại bất kỳ thời điểm nào luôn là một trang giấy trắng chờ ngòi bút của chúng ta vẽ lên, từ một bãi đất trống có thể mọc lên một nhà thờ hay một đồi rác thải. Bởi vì không bao giờ có hai người khác nhau có thể ra cùng một quyết định trong cùng hoàn cảnh, nên đó là cái mà chúng ta gọi là sự đa dạng về tính cách. Quá trình đưa ra quyết định, sự lựa chọn hay sự tự biểu hiện hay văn hoa hơn có lẽ là khúc dạo đầu cần thiết cho toàn bộ quá trình bộc lộ bản thân/ tự biểu hiện.

Một quyết định sáng suốt có thể đạt được bằng cách tham khảo truyền thống hoặc dựa trên những lý luận logic và những phân tích khoa học. Cả hai quá trình trên đều có thể tạo ra kết quả tương đương: nếu truyền thống được gắn liền với những lựa chọn dựa trên những trải nghiệm thực tế của nhiều thế hệ với cùng một vấn đề thì những phân tích khoa học chỉ đơn giản là những quan sát một cách có tổ chức về các hiện tượng của vấn đề.

Những lựa chọn tinh tế nhất xảy đến khi con người tạo ra một thứ gì đó. Trong cuộc sống hằng ngày, có nhiều lựa chọn sáng suốt được đưa ra dựa trên sự hình thành của thói quen, thế nhưng việc sáng tạo ra một vật sẽ đòi hỏi (những) quyết định quy mô hơn là việc thực hiện những chức năng của cuộc sống.

Một điều tất yếu rằng một người có thể tạo ra một điều gì đó dựa trên thói quen – và điều đó sẽ chỉ tồn tại và tốt đẹp nhờ vào giá trị cuối cùng của những quyết định được đưa ra khi họ bắt đầu cố gắng tạo ra vật thể đó và đồng thời cũng nhờ vào hiệu quả từ những quyết định nhỏ xảy ra trong quá trình tạo thành dựa trên thói quen này.

Tuy vậy, cách tốt nhất để tạo ra cái đẹp không nhất thiết phải là việc tạo ra một thiết kế độc đáo hoặc nguyên bản. Sự thật rằng ngay cả trong những sáng tạo của thượng đế, ý tưởng thiết kế cũng phải được thay đổi để tạo ra tính cá thể trong loài người hay để có thể chuyển đổi tỉ lệ của vẻ đẹp giữa Cleopatra và Caliban đơn giản chỉ bằng việc điều chỉnh vị trí hoặc kích thước của đường nét trên gương mặt. Thật thú vị khi quan sát được rằng: thói quen, trên thực tế, có thể giải phóng con người khỏi trách nhiệm với những quyết định kém thú vị và thay vào đó, họ có thể tập trung vào những điều quan trọng hơn trong sáng tác.

Một bộ não không thể ra nhiều hơn một số lượng nhất định các quyết định trong một thời gian cố định. Do đó một vài quyết định trong số đó được chuyển về tình trạng vô thức. Một người thợ dệt thảm với kĩ năng điêu luyện đến mức không cần phải suy nghĩ về từng chuyển động một mà có thể chỉ cần tập trung vào thiết kế của tấm thảm như thể nó được dệt ra từ chính những ngón tay của cô ấy. Người thợ ấy như một nhạc sĩ- một người có thể đặt toàn bộ tâm trí của mình vào việc trình diễn tác phẩm mà không cần phải chú tâm vào từng ngón tay của mình như thể nó có thể tự tạo ra âm thanh.

Previous article

[T05.2] Hassan Fathy- Kiến trúc cho người nghèo

Next article

[TO5.4] Hassan Fathy- Kiến trúc cho người nghèo