Skip to content

[T05.2] Hassan Fathy- Kiến trúc cho người nghèo

Written by

Linh Phamvu

Lời người dịch
Phần 1: Đặc tính kiến trúc
Phần 2: Qúa trình ra quyết định
Phần 3: Vai trò của truyền thống


Phần 1. Đặc tính kiến trúc

Mỗi một người khi thiết kế kiến trúc thường để lại dấu ấn cá nhân như cách họ thể hiện bản thân thông qua ngôn ngữ, trang phục và những sinh hoạt truyền thống trong cộng đồng. Trước khi những ranh giới văn hóa (cultural frontiers), bị xóa nhòa vào thế kỷ trước, những hình khối và chi tiết kiến trúc đã từng mang đậm dấu ấn địa phương của các vùng miền trên khắp thế giới, và kiến trúc của bất kì một cộng đồng bản địa nào cũng đều là đứa con tinh thần đẹp đẽ của một cuộc hôn nhân hạnh phúc giữa trí tưởng tượng của con người và nhu cầu sống thực tế ở những vùng đất đó. Tôi không muốn cũng như không có thẩm quyền trong việc phỏng đoán những xu hướng thật sự cho phong cách của một quốc gia. Tôi chỉ muốn giả định một cách đơn giản rằng: Có một vài hình dạng kiến trúc nhất định khiến người ta đặc biệt hứng thú và họ tận dụng nó trong rất nhiều hoàn cảnh khác nhau, đồng thời loại bỏ những chi tiết không phù hợp và thay vào đó bằng những hình khối, đường nét đa dạng phong phú. Điều này giúp phản ánh một cách chân thật bản chất kiến trúc và thích ứng một cách hoàn hảo với môi trường địa phương nơi đó. Không ai có thể nhầm lẫn đường cong của một mái vòm Ba Tư với đường cong của một mái vòm kiểu Syrian hoặc Ma-rốc hay Ai Cập. Không ai có thể gặp khó khăn trong việc nhận ra sự tương đồng giữa những đường cong với những dấu hiệu đặc trưng của những mái vòm, những chiếc lọ và vành khăn quấn đầu turban. Tương tự, không ai có thể cảm thấy dễ chịu khi quan sát những công trình kiến trúc này bị cấy ghép vào một môi trường hoàn toàn xa lạ khác.

Kiến trúc Ai Cập hiện đại vẫn chưa có phong cách bản địa. Sự thiếu vắng những dấu hiệu đặc trưng: những ngôi nhà của người giàu và người nghèo đều có hình thức tương đồng, mất đi dấu ấn riêng và không mang bản sắc của Ai Cập. Truyền thống đang bị mất đi và chúng ta dường như đang bị bứt rời khỏi quá khứ từ lúc mà Mohamed Ali cắt đứt cổ họng của người Mameluke cuối cùng. Thực tế cho thấy, có một sự đố kị giữa những người tin rằng dân tộc Copts là hậu duệ trực tiếp của người Ai Cập cổ đại, với những người tin rằng phong cách Ả Rập sẽ là nguồn cảm hứng cho kiến trúc đương đại Ai Cập. Đã có một nỗ lực mang tính chính trị trong việc hòa giải hai quan điểm này: khi Osman Moharam Pasha, Bộ trưởng Công trình công cộng đề nghị chia Ai Cập làm đôi trong đó Thượng Ai Cập sẽ được giao cho người Copts để phát triển theo phong cách thời Pharaoh trong khi Hạ Ai Cập nên giao cho người Hồi giáo để họ phát triển kiến trúc của họ theo đúng tinh thần Ả Rập!

Câu chuyện này thể hiện hai điều. Điều thứ nhất là có một sự thật đáng khích lệ rằng mọi người thật sự ý thức và mong muốn giải quyết sự mơ hồ về mặt văn hóa này trong kiến trúc của chúng ta. Điều thứ hai mang tính hạn chế hơn là dường như sự bối rối này chỉ được nhìn nhận như một vấn đề về mặt phong cách, và phong cách ở đây được xem như một lớp vỏ hoàn thiện có thể gắn vào bất cứ công trình kiến trúc nào hay thậm chí gỡ bỏ và thay thế nếu cần thiết.

Những kiến trúc sư hiện đại của Ai Cập tin rằng những đền thờ với những tháp môn- pylon và gờ chỉ trang trí hình lòng máng (cavetto cornice) là đặc trưng của kiến trúc Ai Cập cổ đại. Trong khi kiến trúc Ả Rập truyền thống được đại diện bởi hình ảnh những quần thể cột thạch nhũ. Thế nhưng sự thật là kiến trúc Ai Cập dân dụng cổ đại khác nhiều với kiến trúc đền thờ và kiến trúc dân dụng Ả Rập cổ đại thì không giống với kiến trúc đền thờ hồi giáo.

Những công trình dân dụng Ai Cập cổ đại như nhà ở là những kết cấu nhẹ, đơn giản với những đường nét gọn gàng như những ngôi nhà được thiết kế theo phong cách hiện đại. Thế nhưng trong trường học, việc nghiên cứu về lịch sử kiến trúc không chú trọng vào những công trình dân dụng, sinh viên được nghiên cứu những thời kỳ phát triển của kiến trúc thông qua những phong cách, những đặc trưng nổi bật như tháp môn-pylon và chi tiết quần thể cột. Do đó, các kiến trúc sư mới ra trường  thường cho rằng tất cả mọi thứ tồn tại đều thuộc về phong cách và tưởng tượng rằng họ có thể thay đổi phong cách của một công trình như thay một chiếc áo. Chính những suy nghĩ này đã dẫn đến việc một vài kiến trúc sư đã mạnh tay phá bỏ lối vào lớp học ở một trường học ở Gourna bằng cách chuyển đổi hành lang mái vòm hiện hữu thành một ô cửa theo phong cách đền thờ Ai Cập cổ đại và được trang trí bởi những gờ chỉ trang trí hình lòng máng. Dường như người ta vẫn chưa hiểu rằng kiến trúc không thể tồn tại  mà tách rời khỏi truyền thống sinh hoạt và cái truyền thống kiến trúc đó đã hoàn toàn chết ở Ai Cập ngày nay.

Như một hệ quả trực tiếp từ việc thiếu vắng truyền thống, những thành phố và làng mạc của chúng ta đang dần trở nên xấu xí hơn. Mỗi một công trình mới được xây dựng chỉ khiến sự xấu xí này ngày một trầm trọng hơn và mọi nỗ lực cố gắng khắc phục đều chỉ càng nhấn mạnh sự thô kệch này rõ ràng hơn.

Đặc biệt ở những khu vực ngoại ô của những tỉnh lẻ, nơi những công trình mới đang dần lan rộng, thiết kế thô kệch của những ngôi nhà được lộ rõ thông qua sự thi công cẩu thả, những khối hình hộp chật chội với nhiều kích thước khác nhau theo cùng một phong cách được sao chép theo một cách cẩu thả từ những khu đô thị, dù chưa hoàn thiện nhưng đã bắt đầu xuống cấp. Trong những khu dân cư tồi tệ này, nhu cầu được thể hiện bản thân và hiện đại hóa bản thân khiến người chủ nhà sẵn sàng chi tiền cho những thiết kế lòe loẹt kiểu đô thị trong khi vẫn đang chật vật với không gian sống xung quanh và phủ nhận lợi ích thực tế của sự thủ công truyền thống. Chính thái độ này đã khiến những ngôi nhà ngày càng trở nên chật chội và phơi mặt ra đường chính với ban công khô khốc của nhà hàng xóm, trong khi lẽ ra nếu người chủ nhà thông minh hơn, họ hoàn toàn có thể tận dụng một kiểu nhà (có lẽ là duy nhất) phù hợp với khu vực này: nhà có sân sau nơi mà họ có được khoảng không và sự riêng tư. Đáng buồn thay, hình thái kiến trúc nông thôn này đối với những người nông dân lại chính là một hình mẫu cho sự hiện đại và nó ngày càng được lan rộng trong các làng mạc. Ở vùng ngoại ô Cairo hay Benha, chúng ta có thể nhìn thấy số phận trong tương lai của Gharb Aswan.

Để nịnh bợ khách hàng và thuyết phục họ rằng đó là sự tinh tế và hiện đại, người thợ hồ trong làng đã bắt đầu thí nghiệm cái phong cách mà anh ta chỉ được quan sát một cách gián tiếp và với những vật liệu mà anh không có đủ kiến thức để xử lý. Người thợ hồ thường bỏ qua các hướng dẫn an toàn truyền thống và sáng tạo nên một kiểu “kiến trúc của kiến trúc sư” (architects’architecture) mà không hề có kiến thức cũng như kinh nghiệm của một kiến trúc sư. Kết quả là một ngôi nhà với toàn những sai sót và không hề có một ưu điểm nào của một tác phẩm kiến trúc thực thụ.

Kết quả là những ngôi nhà trong những khu dân cư nghèo được thiết kế bằng việc sao chép, cóp nhặt chi tiết từ những công trình thời thượng của kiến trúc châu Âu với kinh phí eo hẹp sẽ lan tỏa khắp các vùng nông thôn nghèo và làng quê và đầu độc dần truyền thống thực thụ nơi này chỉ sau một vài năm.

Vì thế một sự nghiên cứu thấu đáo và khoa học là thực sự cấp bách đối với tình trạng nghiêm trọng này nếu chúng ta muốn chống lại xu hướng kiến trúc dân dụng thô kệch và kém hiệu quả ở những vùng nông thôn.

Đôi khi tôi cảm thấy tuyệt vọng vì quy mô của vấn đề và cho rằng điều đó không thể giải quyết được, một sự bất lực và tuyệt vọng của số phận. Tôi đã từng chấp nhận cảm giác bất lực, buồn chán và đau đáu trước những thứ đang dần trở thành một phần của chúng tôi và của đất nước tôi. Thế nhưng khi tôi có cơ hội thử thách bản thân mình với một dự án thực tế ở Gourna, tôi đã vực dậy và bắt đầu tư duy một cách thiết thực hơn về vấn đề này.


Tài liệu tham khảo:

Fund, W.M (2011) New Gourna Village: Conservation and Community
Fathy, H. (1973) Architecture for the Poor: An experiment in rural Egypt, Chicago London: The University of Chicago

Previous article

[T05.1] Hassan Fathy- Kiến trúc cho người nghèo

Next article

[T05.3] Hassan Fathy- Kiến trúc cho người nghèo