[T05.1] Hassan Fathy- Kiến trúc cho người nghèo
Lời người dịch
Phần 1: Đặc tính kiến trúc
Phần 2: Qúa trình ra quyết định
Phần 3: Vai trò của truyền thống
Bài viết lần đầu được đăng trên Splace, ngày 9 tháng 2 năm 2020, với tiêu đề Kiến trúc cho người nghèo. Đây là bài dịch đầu tiên của tôi, nằm trong dự án thành lập một website chuyên môn, cung cấp những tài liệu tham khảo chuyên sâu đa ngành dành cho sinh viên thiết kế cùng một số người bạn. Bản thân tôi có xuất thân từ ngành thiết kế nội thất nhưng từ những năm cuối của bậc cử nhân, tôi đã có khuynh hướng “xa rời” chuyên môn nội thất mà dần quan tâm đến những vấn đề kiến trúc có liên quan trực tiếp đến đời sống xã hội. Qúa trình tách rời này diễn ra một cách tự nhiên khi tôi bắt đầu suy nghĩ về đề tài tốt nghiệp của bản thân và trở nên rõ ràng hơn khi tôi kết thúc năm cuối ở trường Kiến trúc bằng một đồ án tốt nghiệp gây nhiều tranh cãi. Đó cũng là lúc mà tôi nhận ra mình đang trong trạng thái “in- between”, nói vui là “đi hai hàng” giữa hai chuyên ngành Nội thất- Kiến trúc.
[Lời người dịch] Năm 2018, tôi đang theo học chương trình thạc sĩ Kiến trúc Nội thất tại Scotland, Anh Quốc. Trong buổi học đầu tiên về Phát triển bền vững, thầy giáo tôi, một kiến trúc sư người Úc, đã bày tỏ sự ngạc nhiên pha lẫn đôi chút thất vọng khi nhận định rằng có rất ít cuốn sách về kiến trúc bền vững ngày nay đề cập đến Hassan Fathy– một kiến trúc sư lớn của Ai Cập trong thế kỉ 20. Theo ông, Hassan Fathy là một trong những kiến trúc sư chân chính và tiêu biểu nhất cho khái niệm kiến trúc bền vững từ những năm 50 của thế kỉ 20. Ngày nay, vào thế kỉ 21, khi nói về kiến trúc bền vững, người ta thường nói về các hệ thống đo lường tiêu chuẩn quốc tế với những công nghệ kĩ thuật tiên tiến mà quên đi rằng bản chất của sự bền vững chính là sự tự nhiên. Hassan Fathy là người đi tiên phong trong việc chọn lọc, nghiên cứu và làm sống dậy những vật liệu tự nhiên và phương pháp xây dựng lâu đời trong kiến trúc dân dụng truyền thống của Ai Cập.
Năm 1946, Hassan Fathy được giao thiết kế một khu làng mới cho khoảng 7000 nông dân của Gourna, một làng nghèo nổi tiếng về nghề đào mộ bất hợp pháp. Mục đích của dự án tái định cư này là chấm dứt nạn đào mộ và trộm cắp bất hợp pháp đồng thời cung cấp cho người dân một nơi sống mới, một khởi đầu mới. Hassan Fathy thực sự tin rằng đây chính là cơ hội hiếm có để ông có thể ứng dụng các nghiên cứu của mình vào thực tế cuộc sống, tạo ra một ngôi làng kiểu mẫu để đem lại những thay đổi cơ bản trong cuộc sống sinh hoạt của người nghèo ở những vùng ngoại ô, nông thôn Ai Cập. Toàn bộ quá trình phát triển dự án tái định cư New Gourna được ông ghi lại một cách chi tiết trong cuốn sách Architecture for the Poor- An experiement in rural Egypt , xuất bản năm 1969. Tuy nhiên, trên thực tế, dự án New Gourna đã bị bỏ dở sau 2 năm tiến hành vì những bất cập trong chính sách quản lí và thiếu hụt kinh phí từ chính phủ. Mãi đến năm 2011, những giá trị thực tiễn của dự án mới được chính thức công nhận thông qua một bản báo cáo, khảo sát thực địa của tổ chức World Monument Fund về tình trạng kiến trúc ngôi làng và sự tương tác giữa kiến trúc của Hassan Fathy với cuộc sống của người dân Gourna (Fund 2011).
Một số hình ảnh về dự án New Gourna trong cuốn sách:
Câu chuyện về New Gourna chính là một bài học thực tế đáng suy ngẫm về cách tư duy và tiếp cận toàn diện trong các dự án kiến trúc xã hội với kinh phí hạn chế. Một dự án kiến trúc xã hội không thể chỉ giải quyết các vấn đề về kiến trúc mà còn phải giải đáp các bài toán về xã hội-kinh tế và định hướng phát triển của một cộng đồng gắn liền với hình thái kiến trúc đó. Bản dịch này bao gồm 3 chương trong cuốn sách Kiến trúc cho người nghèo (Architecture for the Poor) về những quan điểm và suy ngẫm của Hassan Fathy trước sự xói mòn của bản sắc dân tộc và trách nhiệm của kiến trúc sư trong kiến trúc hiện đại Ai Cập:
Phần 1: Đặc tính kiến trúc
Phần 2: Qúa trình ra quyết định
Phần 3: Vai trò của truyền thống