Skip to content

[T04.2] Diễn ngôn (không) chính thức về di sản và thực hành tại Trung Quốc

Written by

Linh Phamvu

Mặc dù có bản chất và lịch sử phức tạp, gây tranh cãi, AHD, do đó, vẫn cung cấp một khởi điểm lý luận hữu ích, và hàng loạt những nghiên cứu đã sử dụng nó như một công cụ giúp khám phá và tìm tòi những phân tích quốc tế (Waterton 2010; Högberg 2012; Mydland & Grahn 2012; Harvey 2015; Ludwig 2016). Nhưng những người khác cũng đã chỉ ra những giới hạn về mặt khái niệm của AHD và cho rằng việc sử dụng nó như một phương pháp lí luận phản biện đã làm đảo ngược sự chú ý từ những sự kiện quan trọng đang tiếp diễn và vai trò chính trị của những quốc gia dân tộc- chứ không chỉ đơn giản là của giới hàn lâm- như một nhà đầu tư (skateholder) trong việc xây dựng nó (Svensson & Maags 2018: 16; Herzfeld 2004; Askew 2010; Meskell 2013). Đây là một sự cân nhắc cực kì quan trọng trong việc hiểu rõ lý thuyết và thực hành của AHD ở Trung Quốc, trong khi ghi chép và phân tích sự thực hành ở Trung Quốc hứa hẹn một góc nhìn lý luận phức tạp hơn.

Được xây dựng dựa trên góc nhìn về vật liệu của phương Tây, AHD, do đó, là một cấu trúc hữu hiệu trong việc làm sáng tỏ những diễn ngôn dân tộc hóa (nationalistic discourse) trong, của và cho di sản (Waterton & Watson 2013) và cũng để tháo gỡ những căng thẳng tất yếu giữa những sự kỉ niệm về văn hóa và bản sắc giữa cấp độ nhà nước (state-led) và từ dưới lên (bottom- up) (Svensson & Maags 2018). Ví dụ, trong trường hợp của UK, việc định nghĩa AHD tương đối rõ ràng nhất quán, bởi vì khái niệm này được lập lại nhiều lần trong các văn bản hành pháp và hành chính. Do đó, nó cung cấp một sự tương phản đặc trưng so với phiên bản “không chính thức” (unauthorized), thay thế, thiểu số hay thứ cấp về di sản. Hệ quả là những phiên bản này có thể trở thành yếm thế (marginalised) hoặc bị loại trừ (excluded). Thực tế, mặc dù về truyền thống AHD được dựa trên triết lý nặng về bảo tồn mà bỏ qua các sắc thái và các sự kêu gọi điều chỉnh (Pendlebury 2013) thì nó vẫn còn tồn tại rất phổ biến trong hoạt động thực hành bảo tồn ở phương Tây (Ludwig 2016). Trong khi đó, việc ứng dụng AHD vào bối cảnh ở Trung Quốc thì phức tạp hơn, một phần vì tính quy mô và sự đa dạng khu vực. Mặc dù vậy, ngay từ thời điểm thành lập của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, đã có một loạt những cơ quan quốc gia (state agencies) chịu trách nhiệm cho việc phát triển và thực hiện những chính sách chính thức về việc bảo vệ và bảo tồn di sản văn hóa của Trung Quốc. Hiện tại, cơ quan hành chính quốc về Di sản văn hóa (SACH) quản lý các địa điểm di sản và bảo tàng ở mức độ quốc gia, địa phương và khu vực thông qua quốc gia. Cơ quan này cũng đồng thời giám sát việc ứng tuyển cho danh hiệu Di sản văn hóa thế giới ở mức độ toàn cầu. Từ năm 2004, toàn bộ các hoạt động liên quan đến việc xây dựng và di sản ở mức độ quốc gia và địa phương bắt buộc phải tuân theo quy trình phê duyệt, lên kế hoạch và xây dựng dưới sự kiểm soát của SACH. Mặc dù các quan chức và chuyên gia thành lập nên SACH có thể được xem như là đại diện ủy quyền quốc gia về AHD, những chương trong cuốn sách này tập trung vào sự đa dạng trong định nghĩa có tổ chức (institutional) và phi tổ chức (non-institutional) về di sản và cách tiếp cận trên khắp Trung Quốc, phản ánh sự khác biệt về địa lý cũng như vùng miền. Những nghiên cứu này làm rõ những thứ nên được định nghĩa là, mượn một khái niệm của Pendlebury (2013), một sự “tổ hợp” (assemblage) của các AHD. Trong sự thiếu vắng một AHD duy nhất và được định danh vững vàng, sự tập hợp của những diễn giải và đại diện từ địa phương và các nhóm không phải tinh hoa (non- elite groups) có thể thay thế phiên bản AHD được công nhận và sử dụng bởi SACH và các cơ quan tương ứng. Nói cách khác, chúng tôi cho rằng AHD ở Trung Quốc nên được đặc trưng bởi một mức độ tương đối cao về sự đa dạng và linh hoạt.

Trong khi một trong những thông điệp cơ bản trong những chương sách là một nỗ lực “tập thể” (hoặc có khuynh hướng mạnh mẽ) về bảo tồn, tái xây dựng và thậm chí tái tạo (reinvent) di sản ở Trung Quốc ở mọi mức độ không gian, chiến dịch cho việc bảo tồn di sản đã và đang được định hướng và tổ chức bởi nhà nước với những mục đích cụ thể (sẽ được thảo luận chi tiết bên dưới) và sự quản lý di sản dưới sự kiểm soát của nhà nước phần lớn dưới diễn ra từ trên xuống và không dân chủ (undemocratic). Tuy nhiên, chúng tôi chỉ ra những căng thẳng trong sự kết hợp giữa những người đầu tư (stakeholders), cung cấp những ví dụ để chứng minh rằng sự nhiệt tình cùng lúc với sự khởi đầu diễn ra từ dưới lên (bottom-up) hay ở mức độ dân dã (grassroot level) trong nhiều trường hợp là quan trọng tương đương, chỉ ra rằng các nhân tố khác cũng tham gia rất nhiều vào quá trình di sản hóa và quá trình tạo ra một tổ hợp AHD phát triển không ngừng cho Trung Quốc.

Bản chất và ý nghĩa của di sản tiếp tục là một chủ đề gây nhiều tranh cãi, và sự ứng dụng đương đại của nó cũng là chủ đề cho một lĩnh vực đang mở rộng của những câu hỏi học thuật. Sự mở rộng này bao gồm “critical heritage studies”, trào lưu để quảng bá di sản như một địa hạt cho phân tích chất vấn, được phát triển một phần để đáp ứng sự phát triển của nền công nghiệp di sản toàn cầu (global heritage industry) (www. criticalheritagestudies.org; Maags & Svensson 2018: 11-12). Sự gia tăng về số lượng nghiên cứu cho thấy di sản tạo nên một phần trong tổng thể vốn lãnh thổ/ giá trị lãnh thổ (territorial capital) của một nơi chốn (Sykes & Ludwig 2015: 9) và đóng vai trò quyết định trong việc hợp thức hóa và tổng hợp các bản sắc hiện tại (Massey 1995). Những yếu tố lịch sử được lựa chọn cho việc tái sản xuất, phổ biến và tiêu thụ tiết lộ nhiều về sức mạnh/ sự ảnh hưởng xã hội, kinh tế và chính trị của di sản lên thế giới đương đại. Cụ thể hơn với Trung Quốc, các nhà nghiên cứu đã đặt ra những câu hỏi về việc sử dụng lịch sử, sự hoài niệm và di sản của chính quyền Mao trong việc xây dựng nên những bản sắc Trung Hoa và tính chủ quan (Wu 2006; Blumenfield & Silverman 2013; Maags & Svensson 2018). Những chương trong cuốn sách này chỉ ra những câu hỏi liên quan đến sự sản xuất và thực hành của một AHD tại Trung Quốc, tác động xã hội, chính trị và kinh tế của nó cũng như những xung đột giữa mục tiêu và ưu tiên của chính quyền, chuyên gia và cộng đồng địa phương thông qua hàng loạt những chủ đề liên kết với nhau: những khái niệm về sức mạnh và tính hợp thức hóa, (tái) khẳng định bản sắc, sự giáo dục cộng đồng (public pedagogy), giáo dục đạo đức, sự đô thị hóa và sự phát triển kinh tế.

(Còn tiếp)

Previous article

[T04.1] Diễn ngôn (không) chính thức về di sản và thực hành tại Trung Quốc

Next article

[T04.3] Diễn ngôn (không) chính thức về di sản và thực hành tại Trung Quốc