Skip to content

[T04.1] Diễn ngôn (không) chính thức về di sản và thực hành tại Trung Quốc

Written by

Linh Phamvu

[Lời người dịch] Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, các diễn đàn kiến trúc đang trở nên sôi động hơn với hàng loạt những sự kiện văn hóa có liên quan đến chủ đề di sản. Rất nhiều các hội thảo chuyên ngành, sự kiện về di sản được tổ chức tại các thành phố lớn và đặc biệt thu hút sự chú ý không nhỏ của giới kiến trúc, từ sinh viên chuyên ngành cho đến kiến trúc sư, nhà thiết kế và chuyên gia cùng tham gia trao đổi và tranh luận sôi nổi. Đối tượng chính trong những tranh luận về di sản ở Việt Nam thời gian gần đây tập trung chủ yếu vào các công trình kiến trúc thời kì Thuộc địa với câu hỏi xoay quanh việc nên đập bỏ hay bảo tồn. Tôi cho rằng đây là tín hiệu đáng mừng khi giới thiết kế kiến trúc đang có khuynh hướng tiến sâu hơn vào các vấn đề thực tế mang tính xã hội văn hóa mà lâu nay vốn ít được coi trọng. Dưới góc độ của người thiết kế không gian nội thất, mối quan tâm cơ bản của tôi được xây dựng dựa trên sự tương tác của con người với những không gian “bên trong”, môi trường nền tảng cho hầu hết các hoạt động của con người. Mối liên hệ đó được tạo ra và lưu trữ thông qua kí ức cá nhân và tập thể. Kí ức cá nhân hay tập thể đồng thời cũng là một từ khóa phổ biến trong những buổi thảo luận về vai trò của di sản với cộng đồng, dưới góc độ cá nhân.

Ở góc độ xã hội, tam giác khái niệm “di sản- bản sắc- kí ức” là một nhân tố quan trọng giúp định hình tính chất của một cộng đồng. Do đó, việc sử dụng khái niệm “di sản” không thể chỉ gói gọn trong một bối cảnh hẹp cả về thời gian lịch sử lẫn không gian cùng những cách tiếp cận đơn ngành (thiết kế, kiến trúc, quy hoạch). Đồng thời, xu hướng thế giới trong sự thay đổi về định nghĩa của di sản cũng như mục đích của việc bảo tồn đã cho thấy rằng: việc bảo tồn quá khứ không còn là mục đích cuối cùng, mà quan trọng hơn cả là phương pháp tận dụng quá khứ để kiến tạo nên bản sắc đương đại. Do đó, câu hỏi lớn trong vấn đề bảo tồn di sản không chỉ là “đập bỏ hay giữ lại” mà nên là “mục đích tồn tại và giá trị thực tiễn của chúng với xã hội đương đại”.


Trong chuỗi bài dịch lần này, tôi muốn chia sẻ đến các bạn cuốn sách The Heritage Turn in China- The Reinvention, Dissemination and Consumption of Heritage, chủ biên bởi Carol Ludwig, Linda Walton và Yi-Wen Wang, xuất bản năm 2020. Cuốn sách này là tuyển tập các bài nghiên cứu độc lập về việc ứng dụng và thực hành di sản ở Trung Quốc trong thời kì hiện đại dưới góc nhìn và phân tích của các nhà nghiên cứu Trung Quốc và quốc tế đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau.

Tôi cho rằng, dựa trên một số sự tương đồng nhất định về lịch sử, văn hóa và chế độ chính trị giữa Việt Nam và Trung Quốc, những nghiên cứu phân tích về di sản ở Trung Quốc có thể cung cấp cho chúng ta những case study, hướng tham khảo cụ thể và gần gũi hơn so với những tham khảo đến từ các quốc gia phương Tây. Điểm khác biệt nổi bật trong cách tiếp cận đương đại của Trung Quốc với vấn đề di sản (so với các nước phương Tây) nằm ở việc nhìn nhận bảo tồn di sản không chỉ đơn thuần là việc gìn giữ các di tích kiến trúc từ quá khứ mà còn là cách thức linh hoạt tận dụng chúng như một công cụ quyền lực trong việc kiến tạo/ tái tạo nên bản sắc xã hội đương đại và vị thế văn hóa của quốc gia trên bản đồ thế giới. Cách tiếp cận này vẫn còn gây nhiều tranh cãi trong giới chuyên môn về tác động lâu dài trên góc độ văn hóa, xã hội nhưng đồng thời, chúng cũng đã và đang đem lại cho Trung Quốc những lợi ích to lớn về mặt kinh tế, chính trị và văn hóa trong những thập kỉ vừa qua. Thông qua những góc nhìn phản biện đa chiều này, tôi hy vọng có thể đóng góp một phần nhỏ vào các xu hướng di sản ở Việt Nam hiện nay.

Thông tin chi tiết về sách ở đây:
https://www.degruyter.com/document/doi/10.1515/9789048536818/html

Bài dịch (Un)Authorised Heritage Discourse and Practice in China là phần mở đầu của cuốn sách, được viết bởi Carol Ludwig và Linda Walton, nhằm đưa ra một cái nhìn khái quát sơ lược về khái niệm diễn ngôn di sản chính thức/ được thừa nhậnAuthorised Discourse Heritage (AHD) của phương Tây và sự khác biệt trong cách ứng dụng khái niệm này trong bối cảnh xã hội Trung Quốc đương đại.

Bài dịch gồm 5 phần:
Phần 1: Giới thiệu
Phần 2: Di sản và Di sản hóa là gì?
Phần 3: Ý nghĩa và việc sử dụng di sản vào đầu và giai đoạn Phong kiến Trung Hoa cho đến thế kỉ 20
Phần 4: Sự bảo tồn di sản và Quốc gia Dân tộc Hiện đại (Modern Nation State) ở Trung Quốc
Phần 5: Nội dung chính và giá trị đóng góp của cuốn sách này

Previous article

[S01.6] Non-religious Spiritual space for social cohesion in Vietnam

Next article

[T04.2] Diễn ngôn (không) chính thức về di sản và thực hành tại Trung Quốc