[T03.1] Jan Assmann- Kí ức giao tiếp và kí ức văn hóa
[Lời người dịch] Cuối năm 2012, khi bắt đầu bước vào giai đoạn cuối của chương trình đào tạo cử nhân Thiết kế Nội thất (TKNT) 5 năm tại trường ĐH Kiến Trúc TPHCM, nghiên cứu chuyên đề là một trong những bước chuẩn bị đầu tiên cho đồ án tốt nghiệp của chúng tôi. Đề tài tôi chọn khi đó là “không gian ý niệm“- một khái niệm còn rất mơ hồ với chính tôi và cả những giảng viên hướng dẫn tôi khi đó.
Cho đến bây giờ mỗi khi ngẫm lại, tôi vẫn luôn tự hỏi động lực gì đã thúc đẩy tôi, một sinh viên cử nhân ngành TKNT, dấn thân vào một lĩnh vực xa lạ và trừu tượng đến thế. Nên nhớ rằng tại thời điểm đó, năm 2012, tư duy trong đào tạo thiết kế nội thất tại Việt Nam chỉ được giới hạn trong việc sử dụng những vật liệu hữu hình, là cuộc chơi đơn thuần giữa màu sắc, bề mặt hình khối hơn là tư duy về chiều sâu không gian và những vật liệu phi vật lý. Trong suốt 5 năm đại học, chúng tôi cũng chưa từng được dạy về phương pháp và tư duy nghiên cứu. Từ đó, tôi nhận ra rằng động lực sơ khai nhất thúc đẩy tôi khi ấy có lẽ là sự tò mò bẩm sinh về chiều sâu tâm trí con người. Chính sự tò mò đó đã dẫn đến ham muốn được khám phá, nắm bắt và chi phối thế giới bên trong con người (interior). Nói cách khác, với tư cách là một nhà thiết kế “nội thất- interior”, sự tò mò lớn nhất của tôi nằm ở việc nghiên cứu phương pháp và nguyên tắc sử dụng những kết cấu vật lý, hữu hình (không gian thiết kế) để truy cập vào tâm trí con người và sử dụng nó để kiến tạo nên những giá trị vô hình (cảm xúc). Khi ngồi viết những dòng này vào những ngày cuối cùng của năm 2020, suy nghĩ của tôi bỗng chốc bị kéo ngược trở về thời điểm xuất phát đó với một câu hỏi bám bụi đang chờ được giải đáp:
“Bất kì ai trên thế giới này cũng đều cất giữ trong mình những kí ức. Đó có thể là kí ức vui vẻ, hạnh phúc hay đau khổ, đầy ám ảnh. Nhưng cho dù thế, kí ức vẫn phải được lưu trữ, bởi vì: We are what we remember- Chúng ta là những gì chúng ta ghi nhớ. Và bảo tàng chính là một nơi như thế!
Kí ức không chỉ là quá khứ. Kí ức còn là một hình thức biểu hiện của quá khứ ở hiện tại thông qua quá trình lắng đọng, sàng lọc theo thời gian. Bảo tàng là nơi lưu giữ những lắng đọng đó. Bảo tàng chứng tích chiến tranh là nơi lưu giữ kí ức thông qua nhiều hình thức. Với tôi, kí ức về chiến tranh được biểu hiện không chỉ thông qua những nỗi đau về thể xác mà lớn hơn hết, đó là nỗi ám ảnh dai dẳng về sự tàn bạo, lạnh lẽo mà chiến tranh luôn đem lại cho bất kì ai nó chạm đến, không phân biệt chiến tuyến!
Việt Nam là một đất nước được thế giới biết đến phần nhiều như một nạn nhân đầy đau thương của chiến tranh. Đó là sự thật không thể chối cãi. Nhưng điều mà tôi mong muốn truyền tải qua thiết kế này không phải là hình ảnh của một vùng đất đầy mất mát, chết chóc mà ngược lại, đó là hình ảnh về biểu tượng cho sự kiên định tuyệt đối vào lý tưởng mà những con người ở vùng đất thép này đã lựa chọn. Sự kiên định đó chính là những đường thẳng kéo dài vô tận!”
Đây là lời dẫn được viết trong bài đồ án sinh viên cuối cùng của tôi ở Việt Nam. Thật thú vị rằng nhiều năm sau đó, khi đang trăn trở tìm kiếm định hướng cho đề tài nghiên cứu tiến sĩ, tôi nhận ra rằng khái niệm “kí ức” đã luôn xuất hiện như một sợi dây dẫn xuyên suốt trong những câu hỏi đầu tiên tôi đặt ra cho bản thân. Và đó có lẽ là một trong những phương tiện cơ bản để thực hiện những “spiritual design” mà tôi muốn theo đuổi.