[T02.3] Shashi Caan- Tư duy lại về Thiết kế và Nội thất
Không gian chính là sự phản chiếu của ý thức con người lên thế giới vật chất trên góc độ triết học. H.Van der Laan, tác giả của cuốn sách Không gian kiến trúc: 50 bài học về sự sắp đặt của thói quen của con người, đã khắc họa khái niệm về không gian như một sự đối lập của những khoảng rỗng ẩn dụ (metaphorical void- những không gian được tạo thành từ không gian tự nhiên khi con người xây dựng) và khoảng đặc ẩn dụ (metaphorical solid- cách thức mà chúng ta trải nghiệm những không gian xây dựng). Ông cho rằng việc xây dựng những bức tường khép kín đã xâm phạm vào tính toàn thể (completeness) của không gian tự nhiên. Không gian xây dựng đó được xem như một khối đặc (fullness) bao bọc bởi một sự trống rỗng (emptiness), hay nói cách khác, hành động kiến tạo không gian chính là hình ảnh của những khối đặc bao quanh một sự trống rỗng và sự trải nghiệm không gian chính là cảm giác đứng giữa sự trống rỗng đó. Thông qua dẫn chứng này, Shashi Caan chỉ ra rằng ngay cả với những lý luận không gian lấy xuất phát điểm từ bên trong nhận thức con người rồi phóng chiếu ra thế giới bên ngoài, thì vai trò của con người vẫn bị xem như một thực thể trừu tượng không hề có sự kết nối vật lý đến thế giới bên ngoài. Không gian luôn là một khái niệm trừu tượng, không mang tính cư ngụ (habitable) và thiếu vắng sự kết nối với con người với các hoạt động của họ.
Từ đó, Shashi Caan đã xem xét lại định nghĩa và giới hạn của các không gian giao tiếp (proxemics) mà Edward T.Hall, cha đẻ của các nghiên cứu nhân chủng học trong không gian con người, tác giả của cuốn sách kiến trúc kinh điển Khoảng cách vô hình (The Hidden Dimension) đã đề xuất. Theo Edward, không gian giao tiếp có thể chia thành 4 phạm vi dựa trên khoảng cách:
- Không gian thân mật (Intimate space): từ những tiếp xúc trực tiếp cho đến những tiếp xúc cách xa 45cm
- Không gian cá nhân (Personal space): một khu vực trong khoảng từ 45cm đến 1.2m
- Khoảng cách xã hội (Social distance): một khu vực trong khoảng từ 1.2m đến 3.6m
- Không gian công cộng (Public space): một khu vực trong khoảng từ 3.6m đến 7.6m
Thế nhưng, với quan điểm lấy con người làm trọng tâm trong không gian (a human-oriented vision of space), Shashi Caan cho rằng sự trải nghiệm không gian nội thất không nên dựa trên những vách ngăn vật lý (ví dụ như hành động bước vào từ bên ngoài) mà xuất phát từ chính bên trong con người và bao gồm những thứ xung quanh có mối liên hệ với cơ thể con người:
“Cuối cùng thì, không gian cá nhân không phải là câu hỏi về cách chúng ta nhận thức các điều kiện xung quanh mà hơn cả chính là cách mà chúng ta biểu hiện bản thân thông qua một bối cảnh không gian.” (Caan, 2001 p.716)