[R09.1] Space Syntax và Bảo Tồn Đô Thị
Hành trình đến UCL và Space Syntax
Tôi bắt đầu nhen nhóm ý định chuyển hướng từ industry sang nghiên cứu vào khoảng cuối năm 2019- 2020, khi đang làm trưởng nhóm thiết kế nội thất cho một văn phòng kiến trúc của Pháp tại Vientiane. Về bản chất, đó là một quyết định không dễ vì trong ngành thiết kế, con đường từ industry sang academia gần như là đường một chiều, một khi đã bước chân vào thì khó quay lại. Thế nhưng, một cách kì lạ, tôi đưa ra quyết định cuối cùng này khá nhanh chóng. Có lẽ, sau khi đã đạt được tất cả những mục tiêu vật chất mà bản thân từng mơ ước, sự trống trải trong cảm xúc khi trở về nhà sau mỗi ngày làm việc lớn đến mức, sau nhiều năm đi làm, tôi hiểu rằng không thể không lựa chọn sự thay đổi. Khi đối diện với những khoảng tối mơ hồ đó, kí ức về khoảng thời gian học Thạc sĩ ở Scotland là điểm sáng duy nhất mà tâm trí tôi có thể neo giữ lấy: kí ức về sự háo hức tột độ khi lần đầu tiên, bản thân có thể cảm nhận được độ sâu thăm thẳm và mênh mông của bể kiến thức. Kí ức về những đêm ngồi miệt mài đọc hàng trăm trang tài liệu trên thư viện của trường đại học Edinburgh (Scotland) đến hơn nửa đêm vào những ngày hè sôi động nhất, hay những đêm tối muộn thẩn thơ lang thang về nhà lúc 2 giờ sáng sau một ngày dài quay cuồng giữa giữa sách vở và công việc thông dịch, vẫn luôn rực rỡ một cách kì lạ.
Gần đây, khi trao đổi với một bạn sinh viên mới ra trường về lý do từ bỏ industry để đi theo con đường nghiên cứu, tôi trả lời rằng nếu xem kiến thức đến từ các nghiên cứu khoa học là một mạch nước ngầm thì những kiến thức được ứng dụng trong industry ở hiện tại là nguồn nước bên trong những giếng nước được khoan trực tiếp từ mạnh nước ngầm ấy. Tuy nhiên số lượng và vị trí của mỗi giếng nước đều được sàng lọc qua phễu lọc của lợi nhuận kinh tế và hiện thực xã hội ngay tại một thời điểm nhất định. Những kiến thức mà phần lớn chúng ta học và hiểu được chính là một lượng nhỏ nước lấy lên từ những giếng nước đó. Do đó, một cách rất tự nhiên, phần lớn chúng ta không cảm nhận được giá trị về sự tồn tại của “mạch nước ngầm” khoa học vì khoảng cách giữa industry và academia là rất lớn, thông thường có thể là 30 hoặc 50 năm và hơn.
Thế nhưng, cái giá phải trả để trở thành một phần kiến tạo nên “mạch nước ngầm” khoa học đó là không nhỏ. Sau hơn một năm ở UCL, tôi tin rằng cảm giác phấn khích tột độ xen lẫn nỗi bất an vô hình và sự chông chênh với biên độ dao động lớn khi bản thân luôn trong trạng thái vận động và tư duy không ngừng để không bị nuốt chửng bởi sự vô tận của kiến thức là một sự tra tấn thần kinh với số đông mọi người.
Tôi vẫn nhớ tháng đầu tiên ở UCL, cô bạn nghiên cứu sinh năm cuối đang trong giai đoạn viết luận án chia sẻ với tôi rằng cô ấy đã bị mental breakdown khá nặng nề vào khoảng đầu năm thứ hai do áp lực của kì sát hạch Upgrade. Và rằng nếu chẳng may tôi có rơi vào tình cảnh ấy thì cũng đừng nên hoảng loạn vì tất cả mọi người đều đã trải qua và sống sót lành lặn sau “sự cố” đó. Hiển nhiên, tỉ lệ sinh viên bỏ cuộc giữa chừng là không nhỏ nhưng ít ra trong lab tôi, con số đó vẫn chưa đến mức báo động. “Lời sấm truyền” khi ấy đã trở thành sự thật khi vào khoảng cuối năm 2023, tôi bắt đầu nhận ra bản thân có dấu hiệu bị kiệt sức về mặt tinh thần và cả thể chất. Sự kiệt sức đó là kết quả của việc không ngừng gia tăng áp lực lên bản thân một cách vô thức sau mỗi deadline và khuynh hướng tăng dần đều áp lực này sẽ kéo dài ít nhất cho đến ngày bạn chính thức bảo vệ luận án tiến sĩ. Lần đầu tiên trong đời, tôi ốm vật vã hơn một tuần lễ ngay trước Giáng Sinh và thấm thía lời chia sẻ của cô bạn một năm trước. Thế nhưng, mỗi khi đám nghiên cứu sinh chúng tôi ngồi lại với nhau, tất cả đều đồng ý rằng có lẽ động lực lớn nhất giúp chúng tôi thức dậy mỗi sáng và lao vào công việc chính là sự thỏa mãn về trí tuệ kèm theo một chút bất an mơ hồ về kết quả của ngày hôm ấy hơn là cảm giác ổn định yên bình mà một công việc 9-to-5 có thể đem lại.
Quay lại thời điểm cuối năm 2019- đầu năm 2020, sau khi đã ra quyết định về việc chuyển hướng sự nghiệp, tôi bắt tay vào việc tìm kiếm giáo sư hướng dẫn. Do không có định hướng cụ thể sớm từ những bậc đại học/thạc sĩ, nên dù đã có chút khái niệm tương đối cụ thể về định hướng nghiên cứu, quá trình tìm kiếm này đã ngốn của tôi hơn 8 tháng với kết quả đạt được là một danh sách ngắn củn chỉ với 3 lựa chọn. Thế nhưng chính trong quá trình này, tôi đã biết đến lý thuyết nghiên cứu và phương pháp phân tích đô thị Space Syntax của Space Syntax Laboratory tại UCL. Tại thời điểm khởi đầu, UCL được đặt ở vị trí thứ 3 trong shortlist vì đây là lựa chọn mạo hiểm và nhiều rủi ro nhất. Sự mạo hiểm không chỉ đơn giản vì ranking cao ngất của trường mà phần lớn đến từ việc tôi hoàn toàn chưa hề được đào tạo về đô thị học cũng như không có bất kì kiến thức nào về các phương pháp nghiên cứu trong phân tích đô thị và đặc biệt là Space Syntax (SSX). Trong khi đó, University of Edinburgh và Newcastle University ở hai vị trí lần lượt là 1 và 2 vì ở đó, phạm vi nghiên cứu được lựa chọn vẫn nằm trong vùng kiến thức an toàn mà tôi ít nhiều có kiểm soát tốt. Thế nhưng, khi phải đối diện với quyết định cuối cùng, tôi đã lựa chọn đi theo một con đường hoàn toàn xa lạ và nhiều rủi ro nhất…
Có thể nói, động lực lớn nhất khiến tôi lựa chọn UCL là vì lý thuyết và phương pháp nghiên cứu SSX. Tuy nhiên, vào thời điểm viết bức email đầu tiên cho giáo sư hướng dẫn, hiểu biết của tôi về SSX và Spatial Cultures- một nhánh ứng dụng của SSX vào nghiên cứu góc độ văn hóa của môi trường xây dựng, là rất mơ hồ. Khởi nguồn cho những câu hỏi đầu tiên của tôi về không gian xây dựng (built-environment) chính là sự tò mò về không gian “ý niệm”, về cách kí ức văn hóa (collective memory) được sản sinh từ những không gian sinh hoạt hằng ngày cũng như cách chúng được lưu trữ và phát triển. Sau nhiều năm và nhiều thế hệ, phải chăng chính những kí ức đó khi được tích lũy đủ dày và đủ sâu đã quay ngược lại chi phối và tái định hình hình thái (spatial morphology) của chính những không gian sinh hoạt đó? Thách thức lớn nhất đặt ra là làm sao có thể nắm bắt, tái hiện những mối quan hệ chồng chéo giữa không gian sinh hoạt hằng ngày và các kí ức văn hóa đó theo một cách cụ thể và “vật chất” nhất. Bởi vì cách diễn đạt truyền thống sử dụng ngôn ngữ dường như chỉ khiến những mối quan hệ này trở nên mơ hồ và xa rời cuộc sống sinh hoạt hằng ngày nơi nó được sinh ra. Khi nhìn vào những bản đồ phân tích street network của SSX với hệ thống những con đường tượng trưng cho những chuyển động sinh học tự nhiên (natural movement) của một xã hội sống được mã hóa thành những đường thẳng thể hiện qua hệ thống màu sắc “sinh học”, tôi mơ hồ nhận ra đây có lẽ là lời giải mà mình tìm kiếm bấy lâu nay.
(Còn tiếp)