[T01.3] Kí ức văn hóa và Câu chuyện thiết kế (Phần 2)
Vì những lý do này, điều mà Smith (1996) gọi là “sự phân vùng của kí ức” (territorialization of memory) (p.448) có thể tìm thấy ở hầu hết mọi nền văn hóa. Môn nghệ thuật nổi tiếng về kí ức được sử dụng bởi xã hội của thổ dân Australia được hình thành trong một vùng đất luôn có sự hấp dẫn nhờ những vật ghi nhớ bằng địa lý (geographical mnemonic) (Basso, 1996). Phần lớn những xã hội khác- cả truyền thống lẫn hiện đại- đều có những giải pháp chính quy, cả nghiêm túc lẫn giải trí, với những ngọn núi thiêng- được tin là nơi cư ngụ của các vị thần hay tổ tiên là nơi để giao tiếp với những người truyền đạo, những dòng sông linh thiêng như cội nguồn của sự tinh khiết và cả những nơi được tôn kính khác. Trên khắp thế giới, các đài kỉ niệm, tượng đài và những địa danh biểu tượng vận hành như một thiết bị lưu trữ kí ức (mnemonic device), như một cái bình chứa đựng bản sắc văn hóa và thông tin, như một kênh giao tiếp và giáo dục, như một chất xúc tác về xúc giác, cảm xúc và sự nhạy cảm, như một mỏ neo không gian cho những truyền thống lịch sử.
Nhưng kí ức thì luôn mơ hồ. Phần lớn những diễn ngôn lịch sử là tạm thời: chúng luôn được tái tạo bởi những trải nghiệm mới, kiến thức mới và được đặt trong cái trọng tâm chuyển đổi và sự bất đối xứng với quyền lực. Diễn ngôn thì tùy thuộc và lệ thuộc vào một hệ thống ý nghĩa của văn hóa cụ thể, thứ luôn thay đổi theo không gian và thời gian. Như Saler (1998) đã cho thấy, diễn ngôn lịch sử tạm thời có thể cực kì khó chịu và phần lớn các thể chế chính trị luôn cố gắng bình ổn những khái niệm này: “những diễn ngôn trọng yếu (essentialist narrative) thì rất hiệu quả về mặt chính trị: chúng rõ ràng, không mơ hồ, kích thích những gắn kết về mặt cảm xúc và kích động hành động theo cách mà những diễn ngôn tạm thời (provisional narrative) không thể.”
Khi một nghiên cứu lịch sử mới đe dọa một diễn ngôn chủ đạo (predominant narrative), tầng lớp lãnh đạo (power elites) thường cố gắng chống lại những phát triển này bằng cách sửa chữa những kí ức có liên hệ đến những phiên bản được chấp nhận của những sự kiện. Những mối quan tâm được hợp thức hóa (vested interest) được khai thác tối đa để thúc đẩy phiên bản lịch sử được họ (tầng lớp lãnh đạo) yêu thích hơn cho các thế hệ tương lai.
Trên thực tế, những nơi chốn để ghi nhớ (place of remembrance) chính là những hệ thống ghi nhớ (mnemonic scheme) để cố định quá khứ (immobilizing the past) trong những chuỗi cố định (fixed sequences).
Những đài tưởng niệm bằng granite hoặc marble tự bản thân đã hàm ý sự tiếp nối hoặc vô tận. Biểu tượng hóa tính bất biến và một sự khép lại của lịch sử, chúng là những mỏ neo chủ đạo (prime anchor) trong sự vận động mang tính chính trị (political manipulation) của lịch sử và sự sáng tác hay tái sáng tác của những truyền thống văn hóa.