Skip to content

[T01.2] Kí ức văn hóa và Câu chuyện thiết kế (Phần 1)

Written by

Linh Phamvu

Lý do thứ năm cho sự ưu việt của hình ảnh và các đài tưởng niệm trong việc định hình nhận thức tập thể là vì chúng rõ ràng linh hoạt hơn trong việc diễn dịch so với ngôn ngữ. Đối với những ý tưởng, ý nghĩa hay cảm xúc thường khó để diễn đạt trong một văn bản chữ viết thì chúng lại có thể dễ dàng được truyền đạt theo một cách tinh tế hơn thông qua hình ảnh và các đài tưởng niệm. Một số đài tưởng niệm có thể đạt được nhiều tầng lớp ý nghĩa và sự nhập nhằng (ambiguity) theo thời gian. Đôi khi chúng trở thành trọng tâm của sự mỉa mai sâu cay hoặc những cuộc biểu tình lật đổ của quần chúng nhằm đấu tranh cho những giá trị đối lập hoàn toàn với những giá trị gốc ban đầu của những đài tưởng niệm đó. Ví dụ như quảng trường Trafalgar ở London được thiết kế vào đầu thế kỉ 19 nhằm tôn vinh sự vĩnh cữu tuyệt đối của sức mạnh của đế quốc Anh. Vào những năm 1950, một cuộc biểu tình quy mô lớn của người dân Anh đã được tổ chức tại quảng trường Trafalgar trong chiến dịch giải trừ hạt nhân. Sự kiện này đã đánh dấu một sự chuyển đổi về ý nghĩa: biến không gian này thành một nơi gắn liền chặt chẽ với những phong trào đấu tranh vì hòa bình và các cuộc biểu tình tập thể.

Sự sắp đặt về không gian của những hình ảnh kiến chúng có khả năng gợi nên những sự kết nối, gắn kết hay những sự tương đồng- thứ mà có thể không bao giờ là dễ dàng với chữ viết. Như Kansteiner (2002) đã từng viết:

“một trong những nguyên nhân cho khả năng ưu việt của hình ảnh trong việc tạo nên kí ức xuất phát từ năng lực đặc biệt để đóng lại và đôi khi là xóa mờ hoàn toàn khoảng cách giữa những trải nghiệm tự thân (first-hand experience) với việc chứng kiến gián tiếp (secondary witnessing)”(p.191).

Lý do thứ 6 cho việc vì sao phần thị giác và không gian lại chiếm chỗ đa số trong kí ức là vì khả năng đánh thức phần vô thức (unconsciousness) hoặc tiềm thức (subliminal) của quá trình nhận thức, nhắc nhở ai đó về những mơ ước còn dang dở  và những khao khát bị đè nén, gây ra hoặc củng cố sự phẫn nộ, định kiến, nỗi sợ và sự căm ghét. Việc đơn giản hóa một hiện thực phức tạp thành một chuỗi những hình ảnh và biểu tượng đơn giản có thể ít nhất giúp kiểm soát nhận thức cá nhân cũng như tập thể ở mức độ cảm xúc và tiềm thức.

Do đó, kí ức văn hóa (cultural memory) chính là “kết quả của việc kiểm soát có nhận thức (conscious manipulation) và hấp thụ một cách vô thức (unconscious absorption)” (Kansteiner, 2002, p. 180).

Previous article

[T01.1] Kí ức văn hóa và Câu chuyện thiết kế

Next article

[T01.3] Kí ức văn hóa và Câu chuyện thiết kế (Phần 2)