Là “học” hay “làm” Tiến sĩ?
Vậy là đã hơn 6 tháng trôi qua kể từ khi tôi bắt đầu chương trình nghiên cứu Tiến sĩ (PhD) ở UCL. Trong 2 học kì đầu tiên này, ngoài việc tìm hiểu sâu hơn về tính khả thi và phương pháp nghiên cứu cho đề xuất nghiên cứu (research proposal) của mình, tôi còn phải dành kha khá thời gian để dự khán (audit) một loạt các môn học của chương trình MSc Space Syntax: Architecture and City. Thời gian đầu, tôi tham dự các lớp học kéo dài không dưới 3 tiếng này một cách khá miễn cưỡng. Sức ì của khoảng thời gian 4 năm đi làm khiến việc cặm cụi ngồi học như một sinh viên trên giảng đường không còn sức hút quá lớn với tôi nữa. Nhắc đến đây có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc: thế PhD không phải là cũng là đi học sao? Câu trả lời là có và không, tùy vào hệ thống giáo dục đào tạo của mỗi nước, nhưng sự khác biệt giữa PhD và các bậc học bên dưới (undergrad- cử nhân, postgrad-thạc sĩ) là rất lớn.
Cậu bạn nghiên cứu sinh mới chuyển từ New York City (NYC) sang cùng đợt với tôi chia sẻ lý do cậu ấy chạy từ Mỹ sang UK làm PhD là vì ở Mỹ, 2 năm đầu bạn sẽ phải tham gia vào các coursework (khóa học đào tạo- như một dạng đi học), 3 năm cuối thì mới thực sự tập trung hoàn toàn vào nghiên cứu. Ở UK thì khác, ngay từ khi bắt đầu chương trình MPhil/ PhD thì bạn đã chính thức “làm” chứ không còn “học” nữa. Việc audit các môn học khác thường tùy thuộc vào yêu cầu riêng của thầy hướng dẫn (supervisor), căn cứ vào kiến thức nền tảng (background) và research proposal của bạn. Quan trọng nhất là thời gian để audit các môn học này (thường ngốn của bạn 2- 3 buổi/ tuần) không được cộng thêm vào thời gian nghiên cứu chính thức của bạn. Trong trường hợp của tôi, vì có background (thiết kế nội thất- interior design) hoàn toàn không liên quan đến phương pháp nghiên cứu và lý thuyết phân tích mà tôi đề xuất (nghiên cứu về đô thị- space syntax) nên tôi bắt buộc phải dành khoảng 50% thời gian trong 6 tháng đầu để học “cấp tốc” một “chuyên ngành” mới. Việc này cũng giải thích vì sao ở bậc PhD, việc nghiên cứu trái ngành/ đa ngành/ liên ngành không phải là hiếm và thậm chí rất được khuyến khích. Nhưng như đã đề cập ở trên, thay vì được dành trọn 2 năm đầu để cập nhật kiến thức mới, ở UK, bạn phải làm hai việc song song cùng lúc mà vẫn phải đảm bảo sau 12-18 tháng, bạn có thể thuyết phục thành công hội đồng về tính khả thi của đề tài nghiên cứu của bạn. Kì bảo vệ này ở UCL được gọi là Upgrade. Nếu thất bại, bạn sẽ phải rời chương trình với tấm bằng “an ủi” MPhil (Master of Philosophy). Nếu thành công, bạn có thể chính thức bắt tay vào thu thập dữ liệu và tiến hành nghiên cứu. Kết luận lại, sự khác biệt giữa PhD ở US và UK có thể hiểu một cách khái quát thông qua câu nhận xét của cậu bạn NYC kia: “Tao chẳng muốn phí 5-6 năm nên thôi thà chịu cực hơn nhưng chốt được hàng lẹ!” [1]
[1] Nhận xét của cậu bạn tôi hoàn toàn ko đề cập tới chất lượng của chương trình đào tạo PhD ở hai nước mà chỉ hàm ý nói về sự khác biệt trong thời gian đào tạo giữa hai hệ thống.