Skip to content

Archive:

#PhDlife

Là “học” hay “làm” Tiến sĩ?

Vậy là đã hơn 6 tháng trôi qua kể từ khi tôi bắt đầu chương trình nghiên cứu Tiến sĩ (PhD) ở UCL. Trong 2 học kì đầu tiên này, ngoài việc tìm hiểu sâu hơn về tính khả thi và phương pháp nghiên cứu cho đề xuất nghiên cứu (research proposal) của mình, tôi còn phải dành kha khá thời gian để dự khán (audit) một loạt các môn học của chương trình MSc Space Syntax: Architecture and City. Thời gian đầu, tôi tham dự các lớp học kéo dài không dưới 3 tiếng này một cách khá miễn cưỡng. Sức ì của khoảng thời gian 4 năm đi làm khiến việc cặm cụi ngồi học như một sinh viên trên giảng đường không còn sức hút quá lớn với tôi nữa. Nhắc đến đây có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc: thế PhD không phải là cũng là đi học sao? Câu trả lời là có và không, tùy vào hệ thống giáo dục đào tạo của mỗi nước, nhưng sự khác biệt giữa PhD và các bậc học bên dưới (undergrad- cử nhân, postgrad-thạc sĩ) là rất lớn.

How Modernity Forgets

Vậy là sau rất nhiều trục trặc và trì hoãn diễn ra trong suốt một năm vừa qua, tôi đã chính thức chuyển đến London vào giữa tháng 10, chỉ 2 tuần trước sinh nhật lần thứ 32, để bắt đầu chương trình nghiên cứu Tiến sĩ tại The Bartlett School of Architecture (BSA), University College London (UCL), trường top 3 thế giới về nghiên cứu kiến trúc- đô thị.

Mọi thứ chuyển đổi diễn ra với một cường độ gấp gáp và dồn dập đến nỗi trong vài tuần đầu tiên, tôi thậm chí không có thời gian để hoài niệm về cuộc sống tôi đã bỏ sau lưng chỉ vài tuần trước đó. Nếu như tôi của năm 2017, khi lần đầu tiên đặt chân đến nước Anh xa xôi đã cảm thấy hào hứng và tràn trề sức sống như thể được tái sinh thì tôi của năm 2022 khi quay lại Anh quốc lại đang cảm thấy như thể, một cách hết sức kì lạ, đã đánh mất một phần nào đó của bản thân.